Thầy là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Vinh, nhưng để về gần gia đình vợ con nên thầy chuyển về dạy cấp 3 trường huyện. Thầy thực sự là người truyền cảm hứng cho lũ học trò nghèo ở trường huyện quê tôi. Chúng tôi háo hức với những giờ văn của thầy.
Những giờ học của thầy, ngoài truyền thụ kiến thức thầy còn vẽ cho chúng tôi những ước mơ cao đẹp. Thầy bảo học để thoát nghèo, học để đổi đời các trò ạ, thầy bảo: “Mình không có quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng có quyền chọn nơi mình đi đến”.
Thầy cho chúng tôi tham gia các kỳ thi cùng với học sinh ở thành phố Vinh. Lúc đầu chúng tôi còn e ngại vì sợ mình học ở trường làng làm sao chọi cùng các bạn thành phố. Nhưng thầy đã động viên, khích lệ chúng tôi, các em cứ mạnh dạn dự thi các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp tỉnh vì các em đã có thầy đồng hành.
Các em hãy tin thầy, mặc dù các em học trường làng nhưng kiến thức thầy truyền dạy cho các em không thua bất cứ điều gì với học sinh Trường Phan Bội Châu - ngôi trường chuyên nổi tiếng của Nghệ Tĩnh thời đó. Và chúng tôi cùng các thế hệ học trò sau này được học thầy đã rất thành công với các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi cấp quốc gia và kể cả kỳ thi đại học.
Một điều mà trước đó trường huyện chúng tôi chưa bao giờ có được. Và chúng tôi đã đổi đời thực sự nhờ những giọt mồ hôi của thầy rơi trên bục giảng trong những kỳ thi, chúng tôi đạt được ước mơ từ những lời động viên, khích lệ truyền cảm hứng của thầy.
Học trò của thầy giờ đây có nhiều người thành đạt. Một đời làm nghề giáo như thầy tôi nhìn sự phương trưởng của các thế hệ học trò âu cũng mát lòng, mát ruột. Thầy tôi năm nay đã ngoài tuổi thất thập nhưng thầy vẫn còn dạy luyện thi đại học ở thành phố Vinh.
Năm ngoái tôi tới thăm thầy đúng vào giờ thầy đang dạy ôn luyện, tôi lặng lẽ nép mình ở góc lớp nhìn các học trò say sưa nghe thầy giảng, tôi thấy thầy đang vẽ lên trước mắt các em những hoài bão, những chân trời khát vọng… Và tôi, một người học trò cũng có chút tự hào là đã đem được cái lòng yêu trẻ, yêu nghề dành trọn một đời tâm huyết để dạy và truyền cảm hứng cho các lớp học trò như điều mà tôi đón nhận tâm nguyện từ thầy tôi.
Tôi kể chuyện thầy Tạ Cẩn - người thầy đáng kính của tôi như một lời tri ân gửi tới thầy nhưng cũng để gửi tới những người đồng nghiệp của tôi thấy sức mạnh của sự truyền cảm hứng tận tâm của nghề thầy. Cho nên, thật không quá lời khi có người đã từng ví: “Một người thầy giỏi giống như ngọn nến – nó đốt cháy chính mình để soi sáng đường cho những người khác”.
Để hoàn thành sứ mệnh ấy, thiết nghĩ, thầy cô phải có niềm tin. Niềm tin ấy có được khi ta có đủ lòng yêu trẻ, đủ lòng tin vào vận mệnh nước nhà, vào sự thông tuệ của thế hệ trẻ trong một thời đại công nghệ thông tin bùng nổ. Người thầy giờ đây không chỉ cứ dạy 1 phải biết 10 để rồi thao thao bất tuyệt đứng thuyết trình trên bục giảng, mà thầy cô phải là người lên kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh cách tiếp cận và khám phá kiến thức từng bài học.
Vì bây giờ các em có đủ tư liệu nghe, nhìn trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Các thầy cô cứ tin tưởng giao cho các em, hướng dẫn các em một cách bài bản, tận tình các em sẽ làm được, hãy cho các em cơ hội được khẳng định mình, hãy cho các em những lời cổ vũ, động viên khích lệ để các em nhận thức được giá trị bản thân thay vì chỉ nhồi nhét kiến thức cho các em.
Để trở thành người giáo viên truyền cảm hứng thì chúng ta phải dạy trò bằng tất cả tình yêu thương và sáng tạo. Nếu tình yêu đủ lớn thì ta có thể hoàn thành được sứ mệnh cao cả của nghề thầy mà xã hội giao phó. Tự bản thân tôi, tôi tin rằng mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều có một sứ mệnh riêng, một lẽ sống riêng.
Tôi còn có một niềm tin tâm linh vào số mệnh đó là khi ta tự nguyện đăng ký đi theo một nghề nào đó, có nghĩa là ta đã chọn nghề, nhưng cũng có thể là nghề đã chọn ta. Vậy tại sao thỉnh thoảng đâu đó xung quanh ta có những bạn trẻ bước chân vào giáo giới nhưng vẫn còn lời ca thán chưa toại nguyện với nghề, hay lửa yêu nghề không có trong tâm. Khi mà tâm chưa nguyện thì hỏi làm sao có được lòng kính nghề, yêu nghiệp?
Từ ngàn xưa cha ông ta đã có một câu thành ngữ rất hay nói về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghề nghiệp: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “sinh nghề, tử nghiệp” để nói lên niềm đam mê, sống chết với nghề. Có đam mê, có cống hiến trọn vẹn sinh tử với nghề thì mới mong được vinh thân. Có như thế thì ta mới xứng đáng với sự vinh danh, xưng tụng của xã hội là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Sứ mệnh nghề thầy nó thiêng liêng bởi nó gắn với sự phát triển của con người, nó định hướng cho tương lai của đất nước, của giống nòi. Bởi nhà trường mãi mãi giữ cái thiên chức là cái nôi đào tạo những người công dân tốt cho xã hội. Một đất nước muốn phát triển thì trước hết phải cần những công dân tốt, sống tử tế, nhân ái, trung thực và sống có lý tưởng.
Một nhà nghiên cứu giáo dục Nhật Bản đã tổng kết: Quốc gia nào cũng vậy, người tài giỏi chỉ chiếm chưa đầy 1/1.000 dân số, còn lại đều là những người bình thường. Đối với 999 người còn lại chỉ cần họ là những người công dân tốt, sống có ý chí, nghị lực thì chắc chắn quốc gia đó sẽ phồn thịnh, hùng cường.
Vậy, ai là người đưa đường, chỉ lối cho những mầm non của đất nước thành những công dân tốt trong tương lai, có đủ đạo đức, trí tuệ và nghị lực. Người đó chỉ có thể là thầy cô. Học trò như những tờ giấy trắng, ta vẽ gì lên trang giấy trắng đó để trang giấy đó làm đẹp cho đời? Muốn đưa được nét bút vẽ lên những hình ảnh đẹp trên trang giấy tâm hồn của trò thì bắt buộc mỗi thầy cô phải là những tấm gương mẫu mực, dành trọn tâm huyết với nghề.
Đây không phải là những lời nói giáo điều, khuôn mẫu mà đây phải được thể hiện ra bằng hành động. Nhà trường và thầy cô phải để tâm đến việc giáo dục học sinh một cách toàn diện: Đức, trí, thể, mỹ. Đạo đức phải được đặt lên hàng đầu, như lời của các bậc tiền nhân: “Tiên học lễ, hậu học văn” - trước tiên phải học lễ nghĩa, rồi mới đến học văn hóa. Trong tất cả các môn học, thầy cô phải lồng ghép được những bài học đạo đức như tính trung thực, lòng tự trọng, nhân ái, khoan dung, ý chí và nghị lực…
Có khi chỉ một câu chuyện hay lời nói mà học sinh khắc cốt ghi tâm. Lúc gặp phải tình huống tương tự, các em nhớ đến lời thầy cô dạy, nhớ đến những bài học đã học mà ngăn các em làm điều xấu, hướng các em đến điều thiện. Việc giáo dục một con người không phải ngày một, ngày hai mà là cả một hành trình. Nó được kết hợp bởi nhiều yếu tố, gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó gia đình và nhà trường đóng vai trò chủ chốt đào tạo ra những công dân tốt cho xã hội.
Nếu như tất cả những người làm nghề giáo đều ý thức được trách nhiệm “người gieo hạt” và đều tay vun trồng trí đức cho học trò ngay từ khi các em bước chân qua cánh cổng trường thì tôi tin rằng những mục tiêu mà ngành Giáo dục đặt ra sẽ đạt thành quả như mong đợi.
Là một người trong cuộc, tôi rất đồng tình với ý kiến của nhà giáo Nguyễn Quốc Vương - chuyên gia giáo dục hàng đầu đã có hơn mười năm nghiên cứu và trải nghiệm về giáo dục ở Nhật Bản đã viết:“Nếu bạn là giáo viên và chịu khó quan sát, có thể bạn sẽ thấy trong những năm gần đây, trong giáo giới nảy sinh và tồn tại hai hiện tượng song song rất kỳ lạ.
Một đằng là bệnh ‘thùng rỗng kêu to’, ngồi ở đâu, nói ở diễn đàn nào người ta cũng hô lên những khẩu hiệu lấp lánh cao siêu để ca ngợi nghề thầy với những mỹ từ như ‘cao quý’, ‘cao cả’, ‘cống hiến’, ‘kỹ sư tâm hồn’; đằng khác là một sự im lặng đến rùng mình khi người ta né tránh tự chất vấn mình và bàn luận với đồng nghiệp về sứ mệnh của người thầy, về bản chất, ý nghĩa của công việc mình làm trong mối quan hệ với sự tồn vong của quốc gia dân tộc và tương lai của những thế hệ tương lai đang nối tiếp. Nhiều thầy cô còn e ngại và ngượng ngùng hay họ lãng quên vì ‘miếng cơm, manh áo’ mà không dám nói về ý nghĩa, sứ mệnh của nghề mình…?”.
Tháng 11 về, trên khắp đất nước Việt Nam đều nhắc đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”, có muôn vàn những bài học, những câu ca dao, tục ngữ đề cập đến bổn phận của người học với thầy cô giáo, với nhà trường. Chúng tôi, những giáo viên đang đứng trên bục giảng xin được trân trọng đón nhận tình cảm tri ân của các thế hệ học sinh và sự tôn vinh của xã hội.
Nhưng qua bài viết này tôi xin được nói về “bổn phận” của người thầy, của các cơ sở giáo dục đối với học sinh, phụ huynh và trọng trách “sứ mệnh nghề thầy” đối với Tổ quốc, nhân dân. Xin bạn đọc hãy xem như một lời tri ân của các thầy, cô giáo trước những tình cảm yêu mến, kính trọng và sự tôn vinh của xã hội dành cho những người đang theo nghiệp nghề thầy. Cũng mong các bạn đồng nghiệp sau khi đọc bài viết này sẽ luôn tự hào và ý thức được sứ mệnh nghề thầy trong công cuộc kiến thiết và xây dựng, phát triển đất nước.
Tôi xin kết thúc bài viết với lời nhắn nhủ của Mẹ Teresa: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu vĩ đại”.