TS Ngô Văn Quang Bình nhìn nhận, tiềm năng phát triển của ngành Sư phạm Vật lý còn rất lớn. Khối ngành này là điểm sáng được nhiều bạn trẻ ưu ái bởi cơ hội việc làm đa dạng sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên học ngành Sư phạm Vật lý khi ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm với các vị trí khác nhau không chỉ giới hạn trong việc dạy học. Các bạn trẻ có thể làm việc tại các vị trí như giáo viên, giảng viên dạy môn Vật lý ở các cấp trường THCS, THPT, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học trong cả nước hoặc làm nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu về Vật lý và các lĩnh vực liên quan. Đây là môi trường và cơ hội để bạn thỏa sức thực nghiệm các sáng kiến, ý tưởng của bản thân qua những kiến thức Vật lý đã được học, tạo ra những điều hữu ích cho xã hội.
Không chỉ vậy, các sinh viên sau khi tốt nghiệp còn có thể làm cán bộ làm việc tại các cơ sở ứng dụng khoa học kĩ thuật trên các lĩnh vực: Quang học, điện, điện tử, thiết bị khoa học - kĩ thuật hoặc về đầu quân tại các công ty công nghệ cao và phần mềm. Đây là nhóm nghề mà nhiều bạn sinh viên Sư phạm Vật lý có thể đảm nhận tốt và có cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề, cựu sinh viên ngành Sư phạm Vật lý, Thạc sĩ Nguyễn Văn Ton, Tổ trưởng chuyên môn tại Trường THPT Đặng Huy Trứ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, cho hay: Để làm tốt những yêu cầu, nhiệm vụ của nghề Sư phạm Vật lý, người lao động cần có 5 yếu tố căn bản nhất.
Thứ nhất, là năng lực ngôn ngữ, năng lực diễn thuyết, truyền đạt kiến thức, diễn giải… Năng lực này không phải tự nhiên mà có được, đây là quá trình rèn luyện và huấn luyện trong môi trường sư phạm, trong các câu lạc bộ và trong thực tiễn. Năng lực này cần được rèn luyện một cách thường xuyên, liên tục của người thầy trong quá trình công tác.
Thứ hai, năng lực vận dụng kiến thức về tâm lý học lứa tuổi để giáo dục học sinh, đặc biệt là học sinh khác biệt.
Thứ ba, năng lực về kiến thức trau dồi, rèn luyện kiến thức đã được học ở trường sư phạm, thường xuyên cập nhật kiến thức mới để truyền đạt cho học sinh để từ đó truyền cảm hứng cho học sinh học Vật lý.
Thứ tư, năng lực sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học, đặc biệt là tự làm đồ dùng dạy học để bổ trợ cho những thiết bị dạy học ở trường phổ thông.
Thứ năm, năng lực sử dụng phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học. Điều này chúng ta cần phải khám phá, vận dụng, các phương pháp kỹ thuật dạy học Vật lý để truyền tải những kiến thức Vật lý tưởng như khô khan nhưng khi áp dụng kỹ thuật dạy học hợp lý thì trở nên rất mượt mà và hấp dẫn học sinh, sẽ khiến học sinh hứng thú, yêu thích, đam mê bộ môn này hơn.