Đầu năm 200, Tào Tháo và Viên Thiệu quyết phân thắng bại trong trận Quan Độ. Lưu Bị lúc này về phe Viên Thiệu, trấn thủ ở Nhữ Nam (huyện thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay).
Tam Quốc Chí chép: “Tào Công sai Thái Dương đánh Bị. Thái Dương bị Tiên Chủ giết chết ở đó”.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, công chém Thái Dương được La Quán Trung gán cho Quan Vũ. Thực tế, người lấy mạng Thái Dương là Lưu Bị. Chi tiết này cho thấy võ nghệ của Lưu Bị dư sức đối đầu với một viên tướng hạng hai của phe Tào.
Năm 201, Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại ở Nhữ Nam, phải đem quân nương nhờ Lưu Biểu ở Kinh Châu.
Sách Cửu Châu xuân thu chép: “Bị ở Kinh Châu mấy năm, có lần ngồi dự tiệc ở chỗ Biểu, lúc đứng lên đi nhà xí, thấy thịt bắp vế mập ra thì bùi ngùi chảy nước mắt. Khi về chỗ ngồi, Biểu lấy làm lạ hỏi Bị, Bị đáp: “Tôi thân thường chẳng rời yên ngựa, thịt ở bắp vế đều săn chắc. Nay chẳng ngồi trên yên ngựa nữa, bắp vế lại mập ra. Ngày tháng trôi qua, già lão đến nơi rồi mà chẳng làm nên công trạng gì, bởi thế nên thương cảm vậy”.
Tam Quốc Chí chép: “Biểu sai Bị chống cự bọn Hạ Hầu Đôn, Vu Cấm ở Bác Vọng. Được ít lâu, Bị đặt phục binh, tự đốt quân doanh rồi vờ bỏ chạy, bọn Đôn đuổi theo, bị quân của Bị đánh tan”.
Sohu bình luận, chi tiết “không rời yên ngựa” cho thấy Lưu Bị đích thực là một võ tướng, thường xuyên cưỡi ngựa đánh trận. Trận Bác Vọng xảy ra vào khoảng năm 204, Lưu Bị dám đương đầu với Hạ Hầu Đôn (một trong 5 viên tướng mạnh nhất của Tào Tháo) thì võ nghệ của ông quả thực không tầm thường.
Theo Qulishi, mô tả về võ công của Lưu Bị trong chính sử có vẻ khá mờ nhạt, nhưng trong Tam quốc diễn nghĩa, ông thực sự là “cao thủ võ lâm”.
Hồi 1 của Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung viết: “Huyền Đức (Lưu Bị) sai thợ đến rèn 2 thanh kiếm. Vân Trường (Quan Vũ) đánh một thanh long đao nặng 82 cân. Trương Phi đánh một ngọn xà mâu dài một trượng 8 thước. Mỗi người làm một bộ áo giáp, họp hương dũng được hơn 500 người”.
Đoạn này đã có ý ngầm miêu tả võ nghệ của Lưu Bị không thua kém Quan Vũ, Trương Phi, Qulishi bình luận.
Ở hồi thứ 5, La Quán Trung đặc biệt miêu tả võ nghệ của 3 anh em Lưu – Quan – Trương trong trận đại chiến với Lã Bố (mãnh tướng mạnh nhất thời Tam Quốc):
“Trương Phi hăng hái cố đánh Lã Bố. Hai người đánh nhau được hơn năm mươi hiệp chưa rõ bên nào thua bên nào được. Quan Vũ đứng ngoài thấy thế cũng múa thanh long đao nặng tám mươi hai cân đến cùng đánh. Ba con ngựa đứng dàn kiểu chữ đinh, đánh nhau được ba mươi hiệp nữa hai người vẫn không hạ được Lã Bố. Lưu Bị bấy giờ cũng cầm đôi gươm tế ngựa chạy vào đánh giúp. Ba người vây tròn lấy Lã Bố đánh chẳng khác gì quân đèn cù. Binh mã tám xứ ngây mặt ra trông”.
Đoạn tiếp: “Lã Bố cố sức chống đỡ không nổi, bèn nhắm giữa mặt Lưu Bị phóng vờ một ngọn kích. Lưu Bị tránh được. Lã Bố mở góc của trận, cắp đao ngược kích, phi ngựa chạy về. Ba người thúc ngựa sấn vào; quân mã tám xứ đều reo ầm lên, xô cả ra đánh. Quân Lã Bố chạy về trên cửa Hổ Lao. Ba người theo sau đuổi mãi”.
Cảnh Lưu – Quan – Trương đại chiến Lã Bố đã trở thành kinh điển (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Qulishi bình luận, Trương Phi, Quan Vũ chỉ có thể đánh cầm hòa với Lã Bố. Chỉ khi Lưu Bị tham chiến, Lã Bố mới cảm thấy nguy hiểm đến tính mạng. Cũng có giả thuyết cho rằng, Lưu Bị xông vào cuộc chiến nhằm giải vây cho Lã Bố. Nếu không, Lã Bố đã bị Trương Phi, Quan Vũ đoạt mạng.
Không rõ mục đích của Lưu Bị khi tham chiến là gì, nhưng nếu đã dám đọ sức với “chiến thần” Lã Bố, ông phải có võ nghệ và đủ tự tin vào thực lực của mình.
Xét về võ nghệ, Lưu Bị tuy không mạnh bằng Quan Vũ, Trương Phi, nhưng ông tuyệt đối không phải một võ tướng tầm thường. Trên thực tế, Lưu Bị từng hạ sát một tướng của Tào Tháo và đủ khả năng sống sót sau những trận chiến lớn. Từ sau trận thủy chiến Xích Bích, Lưu Bị tập trung vào gây dựng địa bàn riêng và phát huy khả năng chính trị, theo Sohu.