Tiêu điểm 24/7

Sửa Luật Giáo dục đại học: Mở rộng không gian đổi mới

25/05/2025 14:48

Sau 5 năm thực thi, Luật Giáo dục đại học hiện hành đã đặt nền móng cho mô hình tự chủ trong trường đại học. Nhưng thế là chưa đủ. Những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, mô hình phát triển và áp lực hội nhập quốc tế đang đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý mới-sâu hơn, linh hoạt hơn và bắt kịp thời cuộc.

Sửa Luật Giáo dục đại học: Mở rộng không gian đổi mới- Ảnh 1.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nếu không kịp thời sửa đổi, tự chủ đại học sẽ mãi là khái niệm nửa vời - (Ảnh: VGP/Tuệ Lâm)

Việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học đã không còn là chuyện của riêng ngành giáo dục, mà là yêu cầu cấp thiết từ chính thực tiễn vận hành. Sau hơn 5 năm thực thi, những điểm nghẽn bắt đầu lộ diện: Phân cấp chưa thực sự trao quyền, cơ chế tài chính còn gò bó, bộ máy tổ chức thiếu linh hoạt, chất lượng đào tạo vẫn chưa tiệm cận được chuẩn mực quốc tế. Nếu không sớm điều chỉnh, mô hình tự chủ đại học rất có thể chỉ dừng lại ở hình thức – nói nhiều, làm chưa tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, tự chủ không thể đi một mình nếu khung pháp lý không theo kịp. Sửa luật lúc này không chỉ là động tác kỹ thuật, mà là bước đi định hình lại cách giáo dục đại học tồn tại và phát triển trong một thế giới đang thay đổi từng ngày.

"Sửa luật là cơ hội để giáo dục đại học bứt phá, nhưng cũng là một thử thách lớn trong cân bằng lợi ích, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Chúng tôi muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp, để xây dựng một khung pháp lý không chỉ đúng mà còn trúng”, Thứ trưởng Sơn nói.

Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, khi được trao quyền tự chủ, nhiều trường đã có chuyển biến tích cực: Quản trị linh hoạt hơn, đào tạo sát thực tế hơn, năng lực kết nối với doanh nghiệp và quốc tế cũng tăng. Nhưng đồng thời, các rào cản pháp lý vẫn hiện diện ở khắp nơi-từ mô hình tổ chức chưa rõ ràng, quy định tài chính chưa đủ thông thoáng, đến các thủ tục hành chính chưa thật sự trao quyền đi đôi với trách nhiệm. Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo-những đòi hỏi mang tính sống còn-cũng mới dừng lại ở bước khởi động, thiếu một khung pháp lý đủ độ mở để trường đại học mạnh dạn hành động.

Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, dự thảo sửa đổi lần này không đơn thuần vá lỗi, mục tiêu là thiết lập lại hệ quy chiếu cho cả hệ thống. Dự thảo xác lập 6 trụ cột chính sách mang tính định hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trước hết, là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhưng phải gắn chặt với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình-để quyền lực không vận hành trong khoảng trống.

Tiếp theo là mở rộng tự chủ đại học, cả về tổ chức bộ máy, tài chính lẫn học thuật, nhưng không buông lỏng kỷ cương.

Thứ ba, dự thảo thúc đẩy hiện đại hóa nội dung và phương thức đào tạo, phát triển mô hình học tập linh hoạt, chuyển đổi số và học tập suốt đời.

Thứ tư, là tái định vị trường đại học như trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi kiến tạo tri thức thay vì chỉ sản xuất bằng cấp.

Thứ năm, nhấn mạnh thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là đầu tư tư nhân thông qua cơ chế hợp tác công-tư.

Và cuối cùng là xây dựng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao, không chỉ đáp ứng chuẩn đầu vào mà còn có khả năng dẫn dắt nghiên cứu và đổi mới trong thực tiễn.

Ông Thảo cho biết thêm, dự thảo được rà soát kỹ để tránh chồng lấn với các đạo luật hiện hành như Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Khoa học và Công nghệ, đồng thời mở ra không gian pháp lý đủ rộng để thúc đẩy các mô hình đột phá trong hệ thống giáo dục đại học.

Đại diện các bộ, ngành như Công an, Y tế, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ đều đánh giá cao tư duy cải cách toàn diện trong dự thảo. Bên cạnh sự đồng thuận về nguyên tắc, các bộ cũng đề xuất nhiều nội dung có tính chuyên biệt: Cần có quy định riêng cho các cơ sở đào tạo đặc thù như lực lượng vũ trang; làm rõ lại khái niệm “đại học” và “trường đại học” để thống nhất cách hiểu và cách vận hành; điều chỉnh các quy định liên quan đến ngành đào tạo có yêu cầu đặc thù cao như y khoa; và đặc biệt, tăng cường các chính sách để thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học, bao gồm thí điểm trung tâm đổi mới sáng tạo ngay trong trường.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, dự thảo Luật sửa đổi sẽ được tiếp tục hoàn thiện theo 3 định hướng chính: Làm rõ các nội dung liên quan đến hội nhập quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu và thu hút đầu tư; cụ thể hóa các loại hình cơ sở giáo dục, tạo sự bình đẳng giữa công lập và ngoài công lập, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; và cuối cùng, đảm bảo rằng mọi sửa đổi đều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, phù hợp chiến lược giáo dục quốc gia và bối cảnh hội nhập.

“Chúng tôi cần những góp ý đi thẳng vào vấn đề, chỉ rõ bất cập và đề xuất cách sửa. Luật phải là công cụ tháo gỡ, không thể là thứ làm chậm đổi mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông đồng thời đề nghị các bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học sớm gửi ý kiến góp ý bằng văn bản để Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, chỉnh lý và trình Chính phủ, Quốc hội theo đúng tiến độ đã đề ra.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/sua-luat-giao-duc-dai-hoc-dat-lai-nen-mong-mo-rong-khong-gian-doi-moi-102250524213518422.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/sua-luat-giao-duc-dai-hoc-dat-lai-nen-mong-mo-rong-khong-gian-doi-moi-102250524213518422.htm
Bài liên quan
Sửa đổi Luật Giáo dục đại học: Cơ hội chiến lược cho toàn ngành
Việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học đang mở ra một giai đoạn mới đầy hứa hẹn cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây không chỉ là nhiệm vụ mang tính chiến lược mà còn là cơ hội quan trọng để tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển, tạo động lực cho quá trình hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
  • Sửa Luật Giáo dục đại học: Mở rộng không gian đổi mới
    một phút trước Tiêu điểm 24/7
    Sau 5 năm thực thi, Luật Giáo dục đại học hiện hành đã đặt nền móng cho mô hình tự chủ trong trường đại học. Nhưng thế là chưa đủ. Những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, mô hình phát triển và áp lực hội nhập quốc tế đang đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý mới-sâu hơn, linh hoạt hơn và bắt kịp thời cuộc.
  • Sắc son 'đánh thức' đình cổ
    31 phút trước Văn hóa
    Triển lãm 'Sắc son' không chỉ tôn vinh nghề sơn cổ truyền của người Việt, mà còn 'đánh thức' những quên lãng về một di sản quý giữa phố cổ Hà Nội.
  • Thực nghĩa một chữ 'thầy'
    32 phút trước Văn hóa
    Có thể nói, thứ còn lại của Vũ Ngọc Khôi không phải là cái chức to hay danh hiệu lớn mà là cốt cách và tác phẩm, không riêng học trò mà nhiều người gọi anh là THẦY với thực nghĩa của từ này.
  • Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý
    32 phút trước Văn hóa
    Bộ VH,TT&DL vừa phê duyệt dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định).
  • Gen AI - trợ thủ đắc lực trong dạy học Ngữ văn
    35 phút trước Giáo dục
    Đưa trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) vào giảng dạy như công cụ hỗ trợ hiệu quả, cô Trịnh Thị Huyền - giáo viên Trường THPT Hữu Nghị (Lê Chân, Hải Phòng) tiên phong đổi mới phương pháp, hiện đại hóa việc dạy học môn Ngữ văn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa Luật Giáo dục đại học: Mở rộng không gian đổi mới