Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tinh hoàn phải treo cao, cứng chắc, siêu âm cho thấy mất hết tín hiệu mạch, hoại tử trung tâm... Các bác sĩ đã mổ cấp cứu, cắt tinh hoàn phải vì hoại tử và không còn chức năng, đồng thời cố định tinh hoàn trái cho bệnh nhân.
Theo PGS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam, các dấu hiệu xoắn tinh hoàn rất dễ bị chẩn đoán nhầm với u tinh hoàn, viêm tinh hoàn.
Khi chẩn đoán thành bệnh khác, người ta có thể điều trị giảm đau, truyền dịch trong khi bản chất bệnh lại là xoắn tinh hoàn. Kéo dài tình trạng xoắn qua 6 tiếng, tinh hoàn sẽ bị hoại tử và không còn khả năng bảo tồn. Việc cắt tinh hoàn là tất yếu với những trường hợp xoắn tinh hoàn để muộn.
Do đó, đối với bệnh nhân xoắn tinh hoàn, thời gian là vàng. Khả năng “cứu sống” tinh hoàn khá cao đối với các bệnh nhân đến sớm trước 6 giờ, lên đến 90-100%. Tỷ lệ bảo tồn thành công tinh hoàn giảm xuống dưới 50% nếu bệnh nhân đến sau 12 giờ và đặc biệt dưới 10% nếu bệnh nhân đến sau 24 giờ.
Mất một bên tinh hoàn tuy ít tác động trực tiếp đến sức khỏe chung của cơ thể nhưng có thể ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe sinh sản và tình dục. Bên cạnh đó, việc chỉ còn một bên tinh hoàn ảnh hưởng lớn đến tâm lý của bệnh nhân, đặc biệt là ở người trẻ.
Vì vậy, người bệnh cần hết sức cảnh giác, không nên chủ quan khi thấy dấu hiệu bất thường ở vùng tinh hoàn, đặc biệt là các cơn đau có tính chất cấp tính để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau. Phải đi khám ngay nếu có các dấu hiệu gợi ý xoắn tinh hoàn. Bên cạnh đó cũng cần lựa chọn cơ sở uy tín, có chuyên khoa Nam học để được thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.