Tại sao gần 800 học sinh ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An phải ở ghép?

09/04/2024, 10:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gần 800 học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đang chật vật ở ghép, ở tạm giữa thời tiết nắng nóng để chờ ký túc xá mới.

Điều đáng nói, dự án ký túc xá lại bị đình trệ do vướng các hộ giáo viên không bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Học sinh chật vật ở ghép

Gần 800 học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An hiện đang phải dồn ghép, ở từ 12 - 14 người/phòng ký túc xá cũ. Thời tiết nắng nóng gay gắt, điều kiện sinh hoạt của các em càng vất vả. Phía ngoài các dãy phòng ở, đồ dùng cá nhân, quần áo phơi kín hành lang lối đi để dành thêm không gian ở phòng ở.

Trước đó, năm 2023, Dự án Xây dựng ký túc xá mới cho học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An bắt đầu xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Một dãy nhà ở nội trú cũ đã được dỡ bỏ để lấy diện tích xây dựng. Điều này dẫn đến số phòng nội trú còn lại không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho các em.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng cho biết, trường đã nhiều lần họp bàn và đưa ra các giải pháp đảm bảo chỗ ăn ở cho học sinh nội trú trong thời gian xây dựng ký túc xá mới. Nhiều địa điểm xung quanh trường cũng đã được khảo sát để thuê cho học sinh và có giáo viên quản lý.

Tuy nhiên, học sinh nhà trường đặc thù, thuê trọ bên ngoài có thể giải quyết được khâu ở, nhưng vấn đề sinh hoạt, ăn uống, học tập và quản lý các em gặp nhiều bất cập.

“Học sinh dân tộc nội trú thì mọi hoạt động sinh hoạt, học tập phải ở trong trường để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng. Sau khi cân nhắc, nhà trường quyết định vẫn để các em ở lại trong trường”, bà Kiều Hoa nói.

Với phương án này, 425 học sinh nữ sẽ dồn ghép ở trong khu ký túc xá hiện có, vệ sinh khép kín. Mỗi phòng 20m2, theo quy chuẩn sẽ có 8 người ở chung 1 phòng nhưng giờ đây phải bố trí ở ghép 12 - 14 em/phòng.

“Phòng chúng em đang ở có 14 người, phải ngủ 2 người/giường đơn rất chật chội, nóng bức. Các thầy cô cũng động viên chúng em chia sẻ với nhà trường trong thời gian chờ xây ký túc xá mới. Mong là công trình sớm hoàn thành để chúng em kịp vào ở”, một nữ sinh lớp 11 chia sẻ. Trường vận dụng khu nhà đa chức năng 5 tầng vừa hoàn thành, chia thành phòng nhỏ cho 265 nam sinh.

Công trình ký túc xá mới cho học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đang đình trệ, có nguy cơ bị thu hồi vốn nếu không kịp tiến độ.
Công trình ký túc xá mới cho học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đang đình trệ, có nguy cơ bị thu hồi vốn nếu không kịp tiến độ.

Tạm dừng xây dựng vì vướng… mặt bằng

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, năm 2019 nhận thấy khu nhà ở nội trú học sinh xây dựng từ năm 1984 đã cũ kỹ, xuống cấp trường xin chủ trương xây dựng lại.

Dự án Xây dựng ký túc xá nhà trường có tổng mức đầu tư trên 62 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Khu ký túc xá mới gồm 5 tầng, đầy đủ công năng, bảo đảm chỗ ăn ngủ sinh hoạt cho học sinh lâu dài.

Tuy nhiên, sau khi thi công một phần, công trình phải tạm dừng, thậm chí có nguy cơ bị cắt nguồn vốn đầu tư do không đạt tiến độ. Nguyên nhân liên quan đến vướng mắc giải phóng mặt bằng, một số giáo viên khu tập thể trường không bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An được thành lập năm 1984. Trong quá trình hoạt động, một số thầy cô nhà xa, gia đình chính sách, điều kiện khó khăn được nhà trường tạo điều kiện ở khu tập thể giáo viên trong khuôn viên trường. Năm 2005, dãy nhà tập thể của trường được phá bỏ để xây dựng nhà ăn cho học sinh, còn lại 3 phòng.

Trong hợp đồng cho mượn giữa nhà trường và hộ gia đình 5 giáo viên này ghi rõ các điều khoản như: Kinh phí xây dựng nơi ở gia đình tự bỏ tiền, không cơi nới quá khu vực quy định; thời gian sử dụng đến khi nào nhà trường có nhu cầu báo trước ít nhất 12 tháng để các hộ gia đình tìm chỗ ở…

Khi có chủ trương xây dựng ký túc xá mới cho học sinh, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An làm việc với các hộ gia đình được cho là mượn đất, nhà tập thể và đề nghị họ chuyển đi để lấy mặt bằng. Trong đó 1 hộ không có ý kiến gì, các hộ còn lại xin thời gian 3 năm để chuyển đi và nhà trường đồng ý.

Tuy nhiên đến năm 2023, khi công trình khởi công, các hộ này vẫn chưa chịu di dời, và có đơn thư gửi các cấp với nội dung xem xét việc hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng. Họ cho rằng, diện tích đất cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An chồng lấn lên đất ở cá nhân.

Hành lang khu nhà ở nội trú của học sinh nữ treo đầy quần áo, giày dép, đồ dùng sinh hoạt để dành không gian cho phòng ở bên trong.
Hành lang khu nhà ở nội trú của học sinh nữ treo đầy quần áo, giày dép, đồ dùng sinh hoạt để dành không gian cho phòng ở bên trong.
Một số hộ giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An không chịu di dời, bàn giao mặt bằng đã mượn để trường xây ký túc xá mới cho học sinh.
Một số hộ giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An không chịu di dời, bàn giao mặt bằng đã mượn để trường xây ký túc xá mới cho học sinh.

Đề nghị di dời

UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND TP Vinh thành lập các đoàn kiểm tra xác minh vụ việc. Các văn bản kết luận kiểm tra đều khẳng định toàn bộ diện tích đất ở của các hộ giáo viên này đều thuộc khuôn viên của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Không có căn cứ pháp luật để hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng và đề nghị các hộ khẩn trương di dời.

Qua nhiều cuộc vận động, đối thoại, tháng 3 vừa qua có 3 hộ gia đình đồng ý chuyển đi, còn 2 hộ chưa bàn giao mặt bằng và tiếp tục có khiếu nại, kiến nghị.

Để đảm bảo quyền lợi của công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Thanh tra tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND TP Vinh thành lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát lại toàn bộ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ dân tại khu tập thể và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An năm 2019, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

“Trường đã cố gắng trong mọi khả năng có thể và hiện đang chờ kết luận của Thanh tra tỉnh Nghệ An. Thực tế, công trình chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và học tập của học sinh”, bà Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng trường nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao gần 800 học sinh ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An phải ở ghép?