Tân Chủ tịch 8X của ngân hàng Eximbank có xuất thân thế nào?

29/06/2023, 13:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước khi được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank, 8X này đã có kinh nghiệm 15 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vừa có nghị quyết liên quan thay đổi nhân sự giữ vị trí chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể, HĐQT Eximbank đã thống nhất miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú kể từ ngày 28/6. Sau khi rời vị trí Chủ tịch EIB, bà Lương Thị Cẩm Tú chỉ còn giữ vị trí thành viên HĐQT EIB nhiệm kỳ VII (2020-2025).

Thay thế vị trí bà Tú để lại, Ban quản trị ngân hàng đồng thuận bầu bà Đỗ Hà Phương, Thành viên HĐQT đương nhiệm làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo giới thiệu của Eximbank, bà Đỗ Hà Phương sinh năm 1984, tốt nghiệp cử nhân Kế toán tại Trường Đại học George Mason (Mỹ), thạc sỹ Tài chính quốc tế - Trường Đại học Westminster (Anh). Bà Phương gia nhập Eximbank từ năm 2022 với chức danh Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) và đã có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Tân Chủ tịch 8X của ngân hàng Eximbank có xuất thân thế nào? - 1

Bà Đỗ Hà Phương trở thành Chủ tịch mới của ngân hàng Eximbank

Trước khi gia nhập Eximbank, từ năm 2018, bà Phương là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners. Trước đó, tân Chủ tịch Eximbank từng tham gia phụ trách các mảng nghiệp vụ liên quan tới tín dụng, quản trị rủi ro tại Ngân hàng Quốc tế (VIB); cố vấn tài chính tại Công ty TNHH Tài chính Lotus; tham gia các mảng nghiệp vụ liên quan tới kiểm toán, thuế, tư vấn tài chính tại Ernst & Young Mỹ và Việt Nam.

Trong khi đó, bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980 và gia nhập Eximbank từ năm 2018. Tháng 2/2022, bà Tú được HĐQT ngân hàng bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước khi rời vị trí Chủ tịch EIB, bà Lương Thị Cẩm Tú đang trực tiếp nắm giữ gần 13,8 triệu cổ phiếu EIB tính theo giá thị trường, khối tài sản cựu chủ tịch EIB đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 287 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo quản trị năm 2022 của ngân hàng, bà Đỗ Hà Phương và những người liên quan không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu EIB nào.

Cùng với sự thay đổi ở vị trí lãnh đạo, EIB đang hướng tới mục tiêu trở lại Top 10 ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam. Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2023 Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng (tăng 35% so với kết quả đạt được trong năm 2022); dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trên 16.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nhóm 3-nhóm 5) tối đa 1,6%; tổng tài sản chạm mốc 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5%.

Trong 3 tháng đầu năm, Eximbank báo lãi trước thuế đạt hơn 870 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Với kế hoạch lãi trước thuế 5.000 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, Eximbank đã thực hiện được 17% mục tiêu sau ba tháng đầu năm.

Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 183.800 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng giảm 0,3%, xuống còn 130.074 tỷ đồng; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 7%. Huy động vốn khách hàng tăng nhẹ 0,1%.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gần 30% so với đầu năm, ở mức 3.047 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 146% từ 264 tỷ đồng lên 649 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,8% lên 2,3%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân Chủ tịch 8X của ngân hàng Eximbank có xuất thân thế nào?