ThS Nguyễn Thành Nho cho biết, quy trình ủ phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm khá đơn giản. Vỏ chôm chôm sau khi thu gom được băm nhỏ đến kích thước cạnh dưới 1cm. Mụn dừa nguyên liệu đã được xay nhỏ trộn đều với vỏ chôm chôm và đưa men vi sinh Trichoderma sau khi được tăng sinh khối vào để ủ.
Mỗi mẻ ủ khoảng 500kg, vỏ chôm chôm sau khi xay nhuyễn được trộn với 150kg mụn dừa. Lấy 0,5 lít dung dịch Trichoderma pha với 20 lít nước và phun lên đống hỗn hợp. Điều chỉnh lượng nước bảo đảm độ ẩm của hỗn hợp khoảng 50 - 55%. Đống ủ được đảo trộn bằng xẻng sau từ 5 - 7 ngày để tăng lượng oxy cho vi sinh phát triển và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sinh học.
Trong mùa nắng, nhiệt độ cao, quá trình khuấy trộn cần được thực hiện thường xuyên hơn sau mỗi 3 đến 4 ngày. Kiểm tra độ ẩm và cần thiết phải bổ sung thêm nước để độ ẩm đạt 50 - 55% bảo đảm phân có được chất lượng tốt và hạn chế quá trình thất thoát chất dinh dưỡng do phân huỷ nhiệt.
Mẫu ủ được kiểm tra độ chín bằng cách kiểm tra độ tơi của đống ủ. Sau 28 ngày khi độ tơi của phân đạt yêu cầu (nhiệt độ ổn định từ 30 đến 40 độ C, sờ không thấy cảm giác bỏng rát, phân ủ tơi có màu đen thì đống ủ chín) có thể mang ra sử dụng. Loại phân bón này rất phù hợp với các loại cây trồng ăn trái, cho năng suất cao, giảm phụ thuộc vào phân hóa học đồng thời giúp cải thiện môi trường cho các cơ sở sản xuất mứt chôm chôm.
ThS Nguyễn Thành Nho cho biết, phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm có thể giúp tăng 10 - 15% năng suất cây ăn trái cho các nhà vườn. Đặc biệt là có thể ủ phân trong chính các vườn cây theo hình thức tại chỗ, từ đó có nguồn dinh dưỡng ổn định cho cây trồng phát triển lâu dài.
Bà Lương Thị Hồng Nguyên cho biết thêm, AMD Bến Tre và hộ gia đình phối hợp nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của cây và tài liệu hóa hoạt động ủ phân này để giúp cho các hộ dân nhân rộng trong thời gian tới. Hy vọng bằng phương pháp này có thể tận dụng và mở rộng ra nhiều loại vỏ trái cây khác để phục vụ canh tác sạch cho Đồng bằng sông Cửu Long.