Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ chủ động, tích cực phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố xác định quỹ đất để xây dựng thêm trường học.
Hà Nội cũng dự kiến ưu tiên dành quỹ đất 5% phục vụ công cộng của các xã và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học; ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư và khu vực đông dân cư để xây dựng thêm trường học.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội từng đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh lớp 10 các trường công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành.
Việc này nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh trong bối cảnh quy mô học sinh trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn thành phố hằng năm tăng nhanh.
Sở đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường). Cùng với đó, Sở đề xuất Bộ tăng sĩ số thêm 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp) và cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin, hiện nội thành "không còn đất", việc xây trường mới ở ngoại thành cũng cần thời gian.
Trong khi đó, theo Thông tư 18 năm 2018 của Bộ, để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải đạt diện tích tối thiểu 6 m2/học sinh (áp dụng với nội thành) và 10 m2/học sinh (ngoại thành). Diện tích khu sân chơi, bãi tập chiếm ít nhất 25% tổng diện tích sử dụng của trường.
Bà Hà kiến nghị Hà Nội được hưởng cơ chế đặc thù, gồm thay đổi tiêu chí đánh giá từ diện tích đất/học sinh sang diện tích sàn/học sinh; các trường trong khu vực nội thành được nâng tầng và xây thêm tầng hầm.
"Việc này để khai thác, sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn, đáp ứng số lượng học sinh lớn", bà Hà nói. Theo các quy định hiện nay, trường học ở Hà Nội xây dựng không quá 5 tầng. Trong đó, phòng học chỉ được phép bố trí từ tầng 4 trở xuống.