Muốn khắc phục lỗi này, trước khi “bắt tay” làm bài, thí sinh không thể bỏ qua bước tìm hiểu kĩ đề thông qua thao tác đọc và phân tích. Trong quá trình tìm hiểu đề, thí sinh hãy dùng bút gạch chân những từ khóa chứa yêu cầu của đề bài và phân dạng yêu cầu của đề như “Hãy phân tích” “Hãy chứng minh”, “Cảm nhận” , “Bằng việc so sánh… hãy chứng minh nhận định”... Sau đó, lập dàn ý đại cương trước khi viết.
Cô Nguyễn Thuỳ Dung, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quang Trung (Hưng Yên) chụp ảnh kỷ yếu cùng học sinh. Ảnh: NVCC |
Với nhiều năm kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT, cô Trương Thị Thu Hường, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ: Khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh hãy giữ phiếu tô đáp án rõ ràng, sạch, đẹp. Lưu ý quan trọng thí sinh phải khoanh đáp án bằng bút chì mềm. Các em nên chuẩn bị sẵn một vài bút chì đã gọt để phòng trường hợp thiếu hoặc gãy bút.
Khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm, việc đầu tiên thí sinh cần làm là điền các mục từ 1 đến 9 là thông tin cá nhân, thông tin bài thi... Sau khi nhận đề thi, các em hãy kiểm tra qua đề thi một lượt. Đề thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh có nhiều tờ nên hãy kiểm tra từng tờ xem chất lượng in thế nào, có thiếu tờ nào hay không... Sau đó, các em điền thông tin mã đề thi.
Với các thông tin trên, thí sinh điền bằng bút bi hoặc bút mực, không sử dụng màu đỏ và nên điền ngay sau khi phát đề bởi nếu quên bất kỳ thông tin nào, bài thi sẽ bị tính phạm quy. Cô Hường lưu ý, khi đọc đề, thí sinh sử dụng bút chì để gạch chân vào các từ hoặc cụm từ quan trọng, vận dụng kỹ năng làm bài đã luyện trong quá trình học. Riêng môn Tiếng Anh, khi gặp câu khó, thí sinh hãy cố gắng vận dụng kĩ năng đoán từ trong ngữ cảnh.
Cuối cùng, thí sinh nên dành ra 5 - 10 phút kiểm tra lại việc tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm đã khớp với các câu trả lời trong đề thi hay chưa. Đặc biệt, các em không nên bỏ trống câu nào. Sau khi đã áp dụng phương pháp “câu dễ làm trước, câu khó làm sau” nhưng vẫn không thể tìm ra đáp án, các em có thể khoanh đáp án có linh cảm tốt nhất vì đó vẫn có thể là một đáp án đúng.
Theo cô Hường, bên cạnh kỹ thuật làm bài, kỹ năng ổn định tâm lý trước và trong thời gian làm bài thi cũng quan trọng và ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh. Vì vậy, khi bước vào phòng thi, thí sinh hãy giữ trạng thái tỉnh táo, tập trung vào bài thi của mình, đọc kỹ yêu cầu và nội dung câu hỏi để tránh những nhầm lẫn không đáng có.
Thí sinh không nhất thiết phải làm bài thi theo thứ tự câu hỏi. Phần nào dễ làm trước, khó làm sau nhưng tuyệt đối không bỏ cách giấy để tránh trường hợp tạo nên khoảng giấy trống trong bài, ảnh hưởng đến quá trình chấm thi. - Cô Nguyễn Thùy Dung (Trường THPT Quang Trung, Hưng Yên)