Học viên Nguyễn Văn Luận, lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 128 chia sẻ: “Đến đảo Hòn Khoai, ngoài kiến thức thực tế về biển, đảo, tôi hiểu sâu sắc hơn về cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai và khắc ghi sâu sắc sự hy sinh của các thế hệ cha ông dũng cảm đứng lên đấu tranh vì độc lập dân tộc. Vì vậy, thế hệ chúng tôi cần phải ra sức học tập, trau dồi kiến thức, quyết tâm giữ gìn độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước”.
Đảo Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). |
Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để tuyên truyền những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo. Vì thế, hoạt động nghiên cứu thực tế nhằm tuyên truyền, giáo dục cho học viên về chủ quyền biển, đảo rất ý nghĩa, giúp cho học viên có cái nhìn đúng, xây dựng quyết tâm phấn đấu và ý chí rèn luyện, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Tiến sĩ Phạm Thanh Tâm, Trưởng Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Hoạt động nghiên cứu thực tế tại đảo Hòn Khoai vừa qua có ý nghĩa rất lớn. Chuyến đi giúp cho giảng viên nâng cao kiến thức thực tiễn, đồng thời gắn lý luận sát với thực tiễn. Học viên có nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thêm cơ sở thực tiễn để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo ở nước ta hiện nay”.
Chia sẻ về giải pháp nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo trong thời gian tới, Tiến sĩ Đặng Trí Thủ, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Cà Mau cho biết: “Thời gian tới, Trường tiếp tục tổ chức cho viên chức, người lao động của trường, cũng như học viên một số lớp đi nghiên cứu thực tế về biển, đảo, trước hết là những đảo ở tỉnh Cà Mau để mọi người hiểu rõ hơn về giá trị của biển, đảo, từ đó ra sức góp phần giữ gìn phần thiêng liêng của Tổ quốc”.