Tăng học phí thận trọng để tránh sốc

21/05/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Một số địa phương đang trong quá trình xây dựng dự thảo để trình HĐND tỉnh, thành phố thông qua nghị quyết về mức thu học phí...

Tại Đắk Lắk, ngày 16/5, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí từ năm học 2023 - 2024 đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Theo dự thảo, mức học phí được thực hiện đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chia theo 3 vùng, gồm: Thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Mức học phí của mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở vùng thành thị là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Ở vùng nông thôn lần lượt là 100.000 - 100.000 - 100.000 và 200.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gồm các xã khu vực 1) lần lượt là 70.000 - 70.000 - 70.000 và 120.000 đồng/học sinh/tháng; vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gồm các xã khu vực 2, khu vực 3) lần lượt là 50.000 - 50.000 - 50.000 và 100.000 đồng/học sinh/tháng.

Cũng theo dự thảo này, từ năm học 2024 - 2025 trở đi, mức thu học phí tiếp tục thực hiện như mức thu của năm học 2023 - 2024. Trong trường hợp cần điều chỉnh mức thu học phí cho phù hợp với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định sửa đổi, điều chỉnh mức thu học phí nhưng không quá 7,5% so với mức thu của năm học trước đó.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là cần thiết để huy động nguồn lực, góp phần nâng cao quy mô và chất lượng giáo dục ở khu vực công lập. Tuy nhiên, với mức học phí quy định trong dự thảo nhân với 9 tháng/năm học là cao với hộ gia đình thuộc diện trung bình, hộ cận nghèo và hộ nghèo. Một số đại biểu đề nghị nên lùi việc thực hiện mức học phí này sang năm học 2024 - 2025…

Nghe tin các địa phương rục rịch tăng học phí, chị Võ Thị Thúy (trú tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), có con đang ở tuổi tiểu học và THCS băn khoăn: “Tiểu học thì đang được miễn học phí, nhưng hằng tháng phải đóng nhiều khoản khác như tiền ăn bán trú, phục vụ bán trú… Và cũng chỉ còn một năm cuối cấp là cháu chuyển lên THCS và sẽ áp dụng mức học phí mới. Khi cả 2 con học THCS với mức học phí mới, chi phí mỗi tháng của gia đình sẽ tăng thêm. Tất nhiên là cha mẹ nào cũng phải ưu tiên cho việc học của con, nhưng với các gia đình có thu nhập trung bình, lại đang phải thuê nhà trọ như chúng tôi sẽ rất khó khăn, buộc phải giảm một số khoản chi tiêu khác”.

Trong khi đó, chị Trần Thị Hồng Vân (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) có con học trường tư thục thì lại băn khoăn khi lương chưa tăng thì giá điện đã tăng và các chi phí khác cũng nhấp nhổm tăng theo. Chưa kể, tăng học phí thì điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp có được cải thiện thêm hay vẫn như cũ?

Mong sớm chốt phương án tăng học phí

Theo bà Lê Thị Hương, địa phương đang chờ phương án chính thức mới điều chỉnh dự thảo. “Nếu kịp để trình trong kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra vào tháng 7 tới là tốt nhất. Các trường học sẽ có căn cứ để xây dựng lộ trình tự chủ trước năm học mới. Học phí tăng mới có thể bàn đến tự chủ ở trường phổ thông được. Và đây cũng là hướng sẽ phải tính đến khi thực hiện giảm chỉ tiêu biên chế theo lộ trình, các trường phải được tăng nguồn thu từ học phí mới có thể tính toán để hợp đồng giáo viên, đảm bảo đủ tỷ lệ giáo viên/học sinh theo đúng quy định”, bà Hương khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, cho hay, địa phương dự kiến trình đề án học phí cho năm học 2023 - 2024 vào quý IV, vì vậy chưa tiến hành xây dựng dự thảo trong thời gian này. Theo lý giải của ông Thái, đầu năm học, các trường chưa triển khai thu học phí ngay.

“Như năm học 2022 - 2023, một số địa phương đã áp dụng mức thu học phí mới theo Nghị định 81 nhưng sau đó phải hoàn trả do tạm dừng triển khai. Điều này gây khó khăn cho cơ sở trong điều chỉnh thu chi một số hoạt động giáo dục. Vì vậy, khi có phương án chính thức liên quan đến thực hiện mức học phí mới, địa phương sẽ triển khai”, ông Thái thông tin.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam lần thứ 11, bà Trần Thị Bích Thu, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương tuyên truyền thông tin về mức thu học phí mới để nhân dân, học sinh nắm bắt được chủ trương, chính sách và chuẩn bị điều kiện cho năm học 2023 - 2024 trở đi.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tang-hoc-phi-than-trong-de-tranh-soc-post639371.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tang-hoc-phi-than-trong-de-tranh-soc-post639371.html
Bài liên quan
Trường tư Hàn Quốc 'rục rịch' tăng học phí
Trong bối cảnh tài chính eo hẹp, các trường đại học Hàn Quốc lên kế hoạch tăng học phí cho năm 2025, kết thúc tình trạng đóng băng kéo dài 17 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng học phí thận trọng để tránh sốc