Giáo dục

Tăng phụ cấp ưu đãi GV, NV trường học: Lấp đầy khoảng trống trong chính sách đãi ngộ

28/05/2025 06:43

Bộ GD&ĐT lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đang nhen nhóm hy vọng về sự thay đổi tích cực trong đãi ngộ viên chức, người lao động ngành Giáo dục.

Nhân viên trường học phấn khởi

Dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung các mức phụ cấp ưu đãi cho nhân viên trường học, cụ thể: 15% cho nhóm vị trí việc làm công tác hỗ trợ, phục vụ; 20% cho nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; 25% cho nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành.

Biết thông tin về dự thảo, chị Hà Thị Xuyến - kế toán Trường Mầm non Thiên Phủ (Quan Hóa, Thanh Hóa), không giấu được phấn khởi. Chị Xuyến vào ngành từ năm 2003, đến năm 2011 được biên chế chính thức, hưởng lương theo bằng đại học, hiện tại hệ số lương là 3,99.

Trước đó, với bằng trung cấp, thu nhập của chị diện thấp nhất trường. Nhờ chủ trương chuyển xếp lương của tỉnh Thanh Hóa, thu nhập của chị được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nếu so sánh với mặt bằng chung về bằng cấp chuyên môn, thâm niên công tác, điều kiện làm việc, mức thu nhập hiện tại của chị còn thấp và chưa tương xứng.

Chị Xuyến chia sẻ thêm: “Mức phụ cấp thấp khiến chúng tôi cảm thấy thiệt thòi. Nếu đề xuất này trở thành hiện thực, thu nhập ổn định hơn sẽ giúp đội ngũ yên tâm công tác và ấm lòng vì sự quan tâm của Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng”.

Cùng chung niềm vui, chị Lê Thị Vân Anh - kế toán Trường Mầm non Thiết Ống (Bá Thước, Thanh Hóa) có mức thu nhập hiện tại khoảng 6,1 triệu đồng/tháng (bao gồm cả tiền kiêm nhiệm). Chị Vân Anh hy vọng đề xuất sớm thành hiện thực, giúp những nhân viên trẻ như chị có thêm động lực gắn bó với nghề.

Theo bà Trịnh Thị Tân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiết Ống, đặc thù công việc ở bậc học mầm non khiến nhân viên trường học phải đối mặt với nhiều vất vả hơn so với các cấp học khác.

Bà Tân dẫn chứng: “Nhân viên kế toán của trường phải kiêm nhiệm vị trí tổ trưởng công tác văn phòng và chỉ được hưởng thêm 0,2% phụ cấp chức vụ, tổng thu nhập mới đạt mức 6,1 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xem xét tăng thêm các khoản phụ cấp cho đội ngũ nhân viên trường học để động viên, khích lệ họ gắn bó với công việc. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ nhiều người bỏ nghề, thôi việc là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Cùng chung nỗi lo về thu nhập, chị Lê Thị Oanh (25 tuổi) - nhân viên văn thư Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa), cho biết, với mức lương hơn 4,7 triệu đồng/tháng, cuộc sống ở thành phố đối với chị và đồng nghiệp gặp không ít khó khăn. Dù vậy, họ vẫn cố gắng bám trụ, chờ đợi một chính sách đãi ngộ tốt hơn từ Nhà nước.

Thấu hiểu những vất vả của nhân viên, bà Dương Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 1 mong muốn Nhà nước sớm có những điều chỉnh về phụ cấp, giúp nhân viên trường học tăng động lực làm việc, ổn định cuộc sống và giảm thiểu nguy cơ bỏ nghề.

lap-day-khoang-trong-trong-chinh-sach-dai-ngo2.jpg
Chị Đỗ Thị Quyến - nhân viên thư viện Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) trong giờ làm việc.

Cần luật hóa chế độ đãi ngộ

Thực tế cho thấy, đội ngũ nhân viên y tế, cấp dưỡng, bảo vệ, văn thư, kế toán... đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động ổn định của trường học. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ cho lực lượng này còn bất cập, đặc biệt ở vùng khó khăn.

Ông Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) nêu thực trạng khó khăn khi thiếu nhân viên y tế, văn thư, thiết bị, thư viện tại trường, trong khi các nhân viên cấp dưỡng hợp đồng chưa được vào biên chế. Ký hợp đồng ngắn hạn khiến họ không được hưởng đầy đủ quyền lợi về bảo hiểm.

Từ đó, vị hiệu trưởng kiến nghị, cơ quan cấp trên cần bổ sung rõ ràng quy định về chức danh, biên chế và chế độ cho nhân viên trường học. Đây là yếu tố cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt ở bậc mầm non và các trường bán trú.

“Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế cụ thể, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đội ngũ nhân viên trường học tại vùng cao, khó khăn và biên giới. Việc này không chỉ giúp tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho nhân viên, mà còn tạo điều kiện để họ yên tâm công tác, góp phần quan trọng vào vận hành đồng bộ, đồng thời giảm bớt áp lực cho đội ngũ giáo viên”, ông Xuân cho hay.

Bày tỏ đồng tình, ông Lê Trung Kiên - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng cơ chế đặc thù, bao gồm cả phụ cấp ưu đãi theo vùng và vị trí việc làm cho đội ngũ nhân viên trường học.

“Đề xuất về chế độ phụ cấp ưu đãi được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập và lấp đầy khoảng trống trong chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên trường học. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mà còn là điều kiện tiên quyết để giữ chân lực lượng, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục cơ sở”, ông Kiên nói.

lap-day-khoang-trong-trong-chinh-sach-dai-ngo-2.jpg
Anh Hà Văn Thoán - nhân viên thiết bị - thí nghiệm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Niềm vui lan tỏa

Không chỉ mang lại niềm vui cho nhân viên trường học, những ngày qua, đội ngũ giáo viên mầm non cả nước cũng khấp khởi mừng. Cô Đinh Thị Nhài - Trường Mầm non Quảng Chu (Chợ Mới, Bắc Kạn) có nhiều năm gắn bó với các điểm trường lẻ như Đồng Luông, Làng Chẽ, Con Kiến…

Quá trình công tác, cô Nhài trải qua đủ đầy những gian nan, từ việc xách nước từ nhà dân về lớp học, nấu ăn bán trú trong điều kiện thiếu thốn, cho đến những lần vượt đường trơn trượt vào điểm trường sau mưa.

“Những ngày đầu đi dạy, mỗi tháng tôi chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng tiền lương khởi điểm, phải chắt chiu từng đồng để duy trì cuộc sống. Nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ, tôi vẫn cố gắng bám lớp, bám trường”, cô Nhài chia sẻ và cho biết: Nghiên cứu dự thảo, được biết phụ cấp cho giáo viên mầm non tăng từ 35% lên 45% tại vùng thuận lợi và 80% với vùng khó khăn là tin vui với cá nhân và đồng nghiệp. Đây là sự ghi nhận và cũng là động lực cho những người bám bản nơi vùng cao.

Giáo dục mầm non là bậc học nền tảng, góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho trẻ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ còn chưa tương xứng với yêu cầu công việc. Vì vậy, khi biết thông tin Bộ GD&ĐT đề nghị điều chỉnh mức phụ cấp, niềm vui dường như lan tỏa đến các điểm trường khó khăn. Ai nấy đều hân hoan, kỳ vọng chính sách sớm được hiện thực hóa.

Trường Mầm non Yên Trạch (Phú Lương, Thái Nguyên) hiện có 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên, hoạt động tại 2 điểm trường, trong đó có điểm trường lẻ tại Bản Héo - nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao…

Bà Phạm Thị Út - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhiều cô giáo đã gắn bó với nghề hàng chục năm, trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn hết lòng chăm lo cho học trò. Đề xuất tăng phụ cấp sẽ tạo động lực to lớn, thể hiện sự quan tâm thiết thực của các cấp, ngành đối với đội ngũ giáo viên mầm non - những người đang thầm lặng “gieo hạt” cho tương lai.

“Nếu nhân viên trường học được hỗ trợ đúng mức thì cả hệ thống mới vận hành tốt. Chúng tôi hy vọng dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi sẽ chuyển hóa thành chính sách cụ thể, thực thi được tại cơ sở”, bà Dương Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) bày tỏ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tang-phu-cap-uu-dai-gv-nv-truong-hoc-lap-day-khoang-trong-trong-chinh-sach-dai-ngo-post732871.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tang-phu-cap-uu-dai-gv-nv-truong-hoc-lap-day-khoang-trong-trong-chinh-sach-dai-ngo-post732871.html
Bài liên quan
Luật Nhà giáo cần thêm chính sách đãi ngộ thỏa đáng với giáo viên vùng cao
Nhiều nhà giáo mong muốn khi Luật Nhà giáo ra đời sẽ giải quyết triệt để về chính sách ở vùng đặc biệt khó khăn để họ có thêm động lực gắn bó với nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng phụ cấp ưu đãi GV, NV trường học: Lấp đầy khoảng trống trong chính sách đãi ngộ