Thời sự

Tăng thuế đối với rượu, bia và thuốc lá: Cần lộ trình phù hợp

30/07/2024 11:49

Việc tăng thuế quá nhanh và mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ.

Tăng thuế theo tình hình kinh doanh

Trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như: Thuốc lá, rượu, bia.

Đối với mặt hàng bia rượu, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế này theo lộ trình với rượu trên 20 độ lên 100% vào 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.

Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, với hai phương án. Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.

Phương án 2: Năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao; các năm sau (mỗi năm) tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao. Để giảm lượng tiêu thụ đối với thuốc lá, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2.

Góp ý về đề xuất nêu trên, VCCI cho biết, các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá.

Tuy nhiên, dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh đối với các mặt hàng này. Việc tăng thuế quá nhanh và mạnh này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế. Điều này, theo VCCI, sẽ dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi được vốn.

“Thêm vào đó, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu bia, thuốc lá”, VCCI cho biết.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu bia và thuốc lá phù hợp hơn với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên lựa chọn phương án 1 với tốc độ tăng thuế ổn định hơn.

Theo các chuyên gia, việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp sẽ đảm bảo cho chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiệu quả đối với mục tiêu tăng giá sản phẩm này; đồng thời, góp phần định hướng giảm tiêu dùng sản phẩm thuốc lá giá rẻ, bởi đây là sản phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác hại đến sức khỏe nhanh hơn và có hại hơn so với thuốc lá cao cấp.

Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp cũng hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ, đối tượng mới hút thuốc thường tiếp cận thuốc lá bắt đầu từ thuốc lá giá thấp.

Cần tính khoa học, thời điểm

Thuế TTĐB là loại thuế gián thu được Nhà nước sử dụng như một công cụ hiệu quả để điều tiết sản xuất, tiêu dùng và thu nhập của người tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định. Thuế đánh một lần ở khâu sản xuất/nhập khẩu, không thu ở khâu kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống.

Mục tiêu chính của sắc thuế này là nhằm điều chỉnh hành vi người tiêu dùng. Thuế tiêu thụ đặc biệt có diện đánh thuế hẹp, không thông dụng như thuế giá trị gia tăng mà nhằm điều tiết các hàng hoá, dịch vụ không phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, không khuyến khích sử dụng và mong muốn hạn chế tiêu dùng hoặc thuộc nhóm sản phẩm ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường, sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội.

Đối với dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì doanh thu làm cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm cả hàng hóa dịch vụ kèm với dịch vụ chịu thuế như dịch vụ karaoke, vũ trường sẽ đánh thuế cả hoa quả, nước uống đi kèm…

Chuyên gia Trần Minh Phong cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng hành vi người tiêu dùng, tác động đến số thu ngân sách, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cần có bằng chứng rõ ràng, căn cứ cụ thể.

Tuy nhiên, cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ quan làm chính sách và nghiên cứu hiện nay lỏng lẻo. Theo ông Phong, tại các quốc gia phát triển, khi sửa đổi chính sách thường sử dụng nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu, đơn vị độc lập làm bằng chứng để thấy rõ tác động chính sách.

Thế nhưng, tại Việt Nam việc sửa đổi chính sách giống như “nhắm mắt bốc thuốc”, khi đẩy nhiều trách nhiệm đến cơ quan làm chính sách nhưng nguồn lực các cơ quan này không đủ khi phải kiêm nhiều nhiệm vụ, gồm quản lý, làm chính sách lại vừa nghiên cứu.

Thời gian qua, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính lấy ý kiến đưa ra một số đề xuất sửa đổi phương pháp tính thuế. Đó là bên cạnh việc áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (thuế tương đối) như hiện hành, có đề xuất bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối và phương pháp hỗn hợp được áp dụng đồng thời cả thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thu tuyệt đối.

Qua nhiều hội thảo được tổ chức bởi các cơ quan Nhà nước, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng và một số cuộc họp lấy gần đây ý kiến về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối, phương pháp tính thuế hỗn hợp áp dụng đối với mặt hàng rượu, bia.

Trên lý thuyết và trên thực tế, thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp là cách tính thuế tiên tiến, đơn giản, dễ thực hiện, nhiều quốc gia đã áp dụng nhằm hạn chế tiêu dùng, hạn chế sản xuất đối với các mặt hàng có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng thuế đối với rượu, bia và thuốc lá: Cần lộ trình phù hợp