Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu tại dự thảo là quá cao, tăng quá sốc, chưa từng có tiền lệ và sẽ tác động rất lớn đến toàn ngành… Đó là quan ngại của doanh nghiệp tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) diễn ra ngày 6/9 tại Cần Thơ.
Đề xuất tăng 5%/năm
Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành quy định thuế suất thuế TTĐB đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, rượu dưới 20 độ 35% và bia 65%. Trong dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng sắc thuế này theo lộ trình từ năm 2026 tới năm 2030, mỗi năm tăng 5%, với hai phương án.
Cụ thể, đối với rượu từ 20 độ trở lên: Phương án 1 từ 70% năm 2026 lên 90% năm 2030. Phương án 2 từ 80% năm 2026 lên 100% năm 2030.
Đối với rượu dưới 20 độ: Phương án 1 từ 40% năm 2026 lên 60% năm 2030. Phương án 2 từ 50% năm 2026 và tăng lên 70% năm 2030.
Đối với mặt hàng bia: Phương án 1 từ 70% năm 2026, đến năm 2030 là 90%. Phương án 2 từ 80% năm 2026 và năm 2030 là 100%.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CK.
Theo đánh giá tác động, đối với phương án 1, giá bán bia rượu năm 2026 sẽ tăng 2-3% so với năm 2025, các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước. Còn phương án 2, giá bán năm 2026 sẽ tăng 10% so với năm 2025, các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước.
"Quá sốc"
Ý kiến với đề xuất trên, ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Quan hệ đối ngoại của Công ty HEINEKEN Việt Nam - phát biểu: “Toàn ngành bia cho rằng đây là đề xuất tăng quá sốc, chưa từng có tiền lệ và sẽ tác động rất tiêu cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của toàn ngành cũng như ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách của các địa phương”.
Theo ông Phúc, doanh nghiệp (DN) hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của tăng thuế TTĐB của Chính phủ là bảo vệ sức khỏe người dân và tăng thu ngân sách bền vững. Tuy nhiên, việc tăng thuế cần đảm bảo nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu và phù hợp với các kịch bản kinh tế. Giá bán tăng do tăng thuế quá cao có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm bất hợp pháp, không đảm bảo chất lượng và không nộp thuế, gây nhiều hệ lụy.
Đại diện DN kiến nghị giữ nguyên mức thuế TTĐB trong vòng 3 năm kể từ năm 2026 khi luật bắt đầu hiệu lực, tức lần tăng thuế đầu tiên sẽ vào năm 2029. Sau đó, để người tiêu dùng dần thích nghi với mức giá mới do việc tăng thuế TTĐB, kiến nghị sau mỗi 3 năm thì tăng thuế một lần và mỗi lần tăng không quá 3-5%.
Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam nêu ý kiến. Ảnh: CK.
Ủng hộ sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ sức khỏe nhân dân, tuy nhiên, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) - cho rằng: Đề xuất tăng thuế liên tục tới năm 2030 lên 100% quá cao, ngành và DN chưa thể đánh giá hết được các tác động lớn của đề xuất này.
Theo bà Vân Anh, ngành đồ uống có hàng trăm nhà máy, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60.000 tỷ đồng/năm. Trong 3-4 năm nay, DN liên tục chịu nhiều tác động nên thu hẹp sản xuất. Mặt khác, nếu tăng thuế quá cao tạo sự chênh lệch lớn về chi phí giữa rượu, bia hợp pháp và bất hợp pháp, làm tăng nguy cơ hàng giả, hàng lậu, trốn thuế.
“Hiệp hội và DN rất mong muốn có lộ trình và mức tăng phù hợp, hài hòa, tránh tăng sốc mà vẫn đảm bảo được các mục tiêu cũng như việc thực thi chính sách”, đại diện VBA kiến nghị. VBA đề xuất thời điểm hiệu lực của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) từ năm 2027, xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng (tăng 2 năm một lần, mỗi lần 5% và tăng tối đa lên 80% vào năm 2030).
Sửa luật để phù hợp thực tế
Liên quan đến dự thảo Luật Thuế Thu nhập DN (TNDN, sửa đổi), ông Phan Tiến Lân - Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ - cho biết, Luật Thuế TNDN hiện hành có nhiều quy định liên quan đến ưu đãi thuế TNDN đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, là thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Phan Tiến Lân - Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CK.
Luật Thuế TNDN (sửa đổi) cần điều chỉnh bổ sung phù hợp hơn nhằm nâng cao môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, thủy sản sản, tạo việc làm, phát triển kinh tế khu vực trong thời gian tới.
Liên quan đến quy định thu nhập được miễn thuế đối với lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản phải đáp ứng điều kiện “tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm từ 30% trở lên”. Ông Lân cho rằng, thực tiễn thời gian qua gặp vướng mắc, cơ quan thuế còn lúng túng khi xác định thu nhập để áp dụng ưu đãi, do cụm từ “chế biến nông sản, thủy sản” gồm nhiều nhóm hoạt động tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Đại diện Cục Thuế Cần Thơ khuyến nghị, bỏ quy định “tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm từ 30% trở lên”. Đồng thời, bổ sung quy định “lĩnh vực cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối được xác định căn cứ theo mã ngành kinh tế cấp 4 của hệ thống ngành kinh tế Việt Nam”.
Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính - cho biết, qua hơn 15 năm thực hiện, Luật Thuế TNDN (được sửa đổi, bổ sung 3 lần) đạt được các kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, qua triển khai thực hiện chính sách thuế TNDN cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bộc lộ một số “khoảng trống” các vấn đề thuế mới phát sinh...