Gắn kết địa phương
Vừa qua, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp và Trường ĐH Đồng Tháp đã ký kết hợp tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng trình độ chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Theo bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, hợp tác giữa sở và trường nhằm thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên. Theo đó, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo, bảo đảm lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn và đảm bảo việc dạy học chương trình mới.
Trường ĐH Đồng Tháp là một trong số các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh ngành Sư phạm Công nghệ từ năm 2018; ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên từ năm 2021 và ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý từ năm 2022. Theo TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng nhà trường, ngành Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý là các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong các năm tới.
Thời gian qua, nhà trường đã chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo giáo viên theo hướng mở, liên thông, trang bị kiến thức đại cương theo lĩnh vực, tăng thời lượng thực tập rèn nghề. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc gắn kiến thức, kỹ năng với đạo đức nghề nghiệp trong nội dung đổi mới phương pháp đào tạo thông qua trải nghiệm, đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên, dạy học theo hướng phát triển năng lực trong Chương trình GDPT mới... Song song đó, trường cũng xây dựng cơ sở dữ liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp theo từng năm.
Chia sẻ việc học tập, chuẩn bị cho chương trình mới, sinh viên Huỳnh Hồng Phúc, ngành Sư phạm Toán (Trường ĐH Kiên Giang), cho biết, trong quá trình đào tạo, các giảng viên luôn cập nhật Chương trình GDPT 2018 và áp dụng vào chương trình dạy học để khi ra trường sinh viên có thể giảng dạy được ngay. Không chỉ kiến thức chuyên môn, sinh viên sư phạm còn được trang bị kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, ứng xử trong các quan hệ xã hội, với cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức xã hội…
“Từ nhu cầu thực tiễn, tự thân mỗi sinh viên sư phạm, mỗi giáo viên phải nỗ lực tự học, rèn luyện, đào tạo, hướng tới xây dựng đội ngũ giáo viên trẻ không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo, mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”, Hồng Phúc nhấn mạnh.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các tỉnh, thành là thiếu nguồn nhân lực để tuyển dụng. Theo chia sẻ của cán bộ, giáo viên, dù đã có sự chuẩn bị nhưng các trường sư phạm cũng chỉ đào tạo có hạn mức. Quá trình đào tạo không phải một sớm một chiều mà phải mất 4 năm mới hoàn thành. Cùng với đó, căn cứ vào năng lực, nhà trường không thể đào tạo ồ ạt mà cần hướng tới chất lượng. Do vậy, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm gia nhập đội ngũ giáo viên phổ thông chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu…