Từ 1/3/2024, Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản sẽ có hiệu lực.
Giá trần vé máy bay sẽ được điều chỉnh tăng với các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.
Các nhóm đường bay còn lại tùy thuộc vào độ dài đường bay sẽ chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Theo các công ty lữ hành, giá vé máy bay hiện chiếm từ 40 - 60% giá tour trọn gói của họ. Vì vậy, việc nâng trần giá vé máy bay tại một số chặng, giá tour có thể tăng từ 5 - 30%.
Do đó, các doanh nghiệp e ngại khách có thể lựa chọn chuyển sang phương tiện khác hoặc đi những điểm gần hơn, sẽ ảnh hưởng đến du lịch nội địa, trước mắt là các đơn vị cung cấp dịch vụ điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc.
Khảo sát tại các đại lý vé máy bay, chặng Hà Nội - Phú Quốc trong tháng 6/2024 tăng từ 1,3 triệu đồng lên 2,2 triệu đồng; chặng Hà Nội - Nha Trang tăng từ 1,1 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng.
Ông Trần Phương Châu, Giám đốc Công ty Travellest cho biết, giá vé máy bay tăng đang là một thách thức đối với ngành du lịch.
Đặc biệt, trong mùa thấp điểm khi có thể làm giảm sức hấp dẫn của du lịch nội địa khiến thị trường trong nước đói khách, các địa phương sẽ là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng.
“Giá tour cao hay thấp phụ thuộc vào mức giá của các dịch vụ từ hàng không đến ô tô, tàu thủy, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan...
Trong tất cả các dịch vụ, tác động của giá vé máy bay có ảnh hưởng rất lớn, chỉ một điều chỉnh nhỏ cũng có thể làm cho du khách thay đổi kế hoạch, hoặc đi hoặc không đi, hoặc chuyển sang lựa chọn khác.
Trong suy nghĩ thường trực của nhiều người đi du lịch nước ngoài với giá tương đương tour nội địa nhưng sang chảnh hơn. Đây là áp lực rất lớn với các doanh nghiệp lữ hành”, ông Châu nhìn nhận.
Theo ông Châu, nếu xét về tính hấp dẫn, các điểm đến như Thái Lan, Indonesia… chưa chắc đã bằng Việt Nam, song giá vé máy bay là cản trở rất lớn với du lịch Việt.
Nhiều khách hàng tìm đến đơn vị lữ hành, khi thấy tour nội dù nhiều trải nghiệm hơn tour tới Đông Nam Á, so sánh, đối chiếu giá tour trong nước với quốc tế họ đã chọn đi Thái Lan, Singapore.
Việc khách chuyển hướng tiêu dùng mua tour ngoại, hạn chế sử dụng tour nội đã làm giảm sức hút của thị trường nội địa, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt trong việc thu hút khách quốc tế.
Theo các chuyên gia, thị trường nội địa vẫn đang được xác định là bệ đỡ cho ngành du lịch trong bối cảnh thu hút khách quốc tế chưa phục hồi bằng thời điểm trước dịch Covid-19.
Hơn nữa, năm 2023 vừa qua, kinh tế khó khăn, lại thêm giá vé máy bay quá cao, người dân thắt chặt chi tiêu, giảm chi phí du lịch. Đây là bất lợi cho ngành vốn được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phục hồi kinh tế.
Hơn nữa, không phải cứ tăng giá vé máy bay sẽ mang về doanh thu khủng để bù lỗ cho ngành hàng không trong giai đoạn trước. Khi giá vé tăng, khách lựa chọn đi máy bay sẽ giảm thì chính các hãng hàng không cũng đối mặt với khó khăn.
Thông tin của nhiều doanh nghiệp du lịch cho thấy, kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn vừa qua, việc giá vé nội địa tăng quá cao khiến nhiều người dân quyết định hủy kế hoạch đi du lịch trong nước.
Thay vào đó, các tour xuất ngoại trọn gói tới Thái Lan, Malaysia… với chi phí chỉ bằng giá vé máy bay khứ hồi của một số chặng bay nội địa cùng thời điểm đã trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách.
Chị Hà Thị Loan, chủ đại lý vé máy bay tại Hà Nội chia sẻ, do nghỉ lễ dài ngày, các nhà đầu tư mảng nhà hàng, khách sạn chủ quan nghĩ rằng, lượng khách sẽ vẫn đông như các năm trước.
Nhưng giá vé máy bay tăng cao khiến cho các nhà kinh doanh rơi vào tình huống vắng khách, trống phòng, cho dù đã giảm giá rất nhiều nhưng vẫn ít khách. Giá vé máy bay lên đến 8 - 10 triệu đồng/khứ hồi, tăng gấp đôi ngày thường cho một chuyến du lịch nội địa khá đắt đỏ đối với khách trong nước.
Chị Trần Kim Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, thay vì lựa chọn những chặng bay có thể bị tăng giá vé, chị sẽ chọn các đường bay ngắn không có đề xuất tăng giá trần.
“Tôi có thể cân nhắc chuyển địa điểm khác gần hơn, như Nghệ An, Huế hoặc đến các địa điểm không cần di chuyển bằng đường hàng không, tiết kiệm được 20 - 30% tổng dự chi của mình”, chị Phương nói.
Để tour nội địa không lép vế trước tour ngoại, các chuyên gia du lịch cho rằng, ngành hàng không nên phối hợp với đại lý vé máy bay tung ra các loại vé khuyến mại cho hành khách mua sớm và các gói combo, từ đó khuyến khích hành khách có kế hoạch sớm mua vé nhằm tiết kiệm chi phí và thêm nhiều lựa chọn.
Hiện nay, giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (bao gồm quốc tế và quốc nội) đều được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt.
Đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không xây dựng và thực hiện kê khai với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường...