Tuy nhiên, qua thực tế triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các trường phổ thông còn có những hạn chế nhất định: Công tác chỉ đạo tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.
Tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu; chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục. Năng lực của một số cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm còn hạn chế; nguồn lực cho hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh chưa được đầu tư. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại cơ sở giáo dục còn chưa được thường xuyên.
- Trước những hạn chế trên, theo ông, cần làm thế nào để nâng cao các hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học trong thời gian tới?
- Bộ GD&ĐT luôn quan tâm và xác định, hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp học sinh vượt qua những vấn đề về hành vi và học tập, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hoạt động này cũng dự phòng và ngăn chặn diễn biến không lành mạnh về sức khỏe tâm lý của học sinh. Đồng thời là cầu nối hỗ trợ cha mẹ chuyển học sinh tới những cơ sở trị liệu chuyên biệt hơn nếu cần thiết.
Sinh động hình thức tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường. Ảnh minh hoạ/ INT |
Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, các nhà trường cần nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh và các lực lượng khác trong nhà trường về công tác tư vấn tâm lý học đường. Xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn, tham vấn trong nhà trường cụ thể theo từng năm học; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tâm lý học đường chuyên nghiệp để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý...
Vừa qua, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn sử dụng tài liệu và bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho hơn 21 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong cả nước. Sau khi kết thúc tập huấn, các cán bộ, giáo viên sẽ về cơ sở, là những hạt nhân để tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho học sinh.
Với kiến thức của mình, các thầy cô sẽ nhận diện những khó khăn, khủng hoảng tâm lý cho học sinh, đặc biệt là phát hiện và đánh giá những em có nguy cơ, suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử. Phối hợp với cán bộ, giáo viên và thành viên khác trong nhà trường cũng như phụ huynh trong việc nhận diện các vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh, kịp thời phát hiện nhu cầu và những vấn đề cần can thiệp của các em.
Ngoài ra, thầy cô sau khi được tập huấn sẽ hỗ trợ nhà trường trong việc hoạch định các giải pháp tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, cách thức phối hợp với phụ huynh trong việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý; cách thực hành các kỹ năng, hoạt động nhằm nhận diện, phát hiện, phòng ngừa và can thiệp với hành vi bạo lực của học sinh.
Các nhà trường cũng cần phối hợp với tổ chức liên quan trong tư vấn, hỗ trợ và can thiệp với trường hợp có vấn đề tâm lý, đặc biệt các thể nặng; lưu giữ hồ sơ học sinh có vấn đề về tâm lý để có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết sau này.
- 21 nghìn cán bộ giáo viên được tập huấn về công tác tư vấn tâm lý và xã hội trường học. Nội dung thầy cô được tiếp cận là gì?
- Tại buổi tập huấn, chuyên gia đã cung cấp nhiều kiến thức thiết thực và thực hành nhiều hoạt động, hướng dẫn các kỹ năng. Giáo viên đến từ các trường học cả nước đã tham gia thảo luận tích cực, tâm huyết.
Các chuyên gia cũng hướng dẫn sử dụng Tài liệu triển khai mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại cơ sở giáo dục phổ thông, tập trung vào nội dung: Mục đích, đối tượng can thiệp, nhiệm vụ của mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại cơ sở giáo dục; cơ cấu tổ chức và hoạt động của mô hình thí điểm công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên được nâng cao năng lực khi triển khai tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục trong phòng chống hành vi tự hại và tự tử. Các thầy cô được tìm hiểu kiến thức chung về thực trạng, nguyên nhân, động cơ tâm lý của học sinh có nguy cơ; suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử. Từ đó, đội ngũ nhà giáo hiểu và có khả năng triển khai các quy trình, nhận diện, đánh giá học sinh có nguy cơ; thực hành sơ cứu tâm lý và các hoạt động phòng ngừa hành vi tự gây tổn thương, tự tử.
- Trân trọng cảm ơn ông!