Cách đây 10 năm, học sinh phổ thông dự thi các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực còn chưa xuất hiện tên các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Nhưng những năm qua, học sinh từ các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Bắc Giang, Lào Cai đã ghi danh vào danh sách này.
Kết quả giáo dục mũi nhọn đã khẳng định hướng đi đúng của các địa phương trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, từng bước rút ngắn khoảng cách với các vùng thuận lợi.
Những chuyển biến về giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thời gian qua là kết quả từ nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước dành cho người học, cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cho đầu tư cơ sở vật chất trường lớp…
Mặc dù thu ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng tăng dần qua các năm. Năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ tăng 40,2% so với năm 2011. Trong đó, tổng chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 88,5%.
Trung du và miền núi Bắc bộ đang khởi sắc. Song, trong bức tranh chung của đất nước, đây vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Giáo dục và đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp thấp nhất cả nước. Đó là hàng ngàn phòng học còn thiếu, hàng ngàn học sinh phải học trong các phòng học tạm, phòng học nhờ, là hàng trăm giáo viên còn thiếu nhà công vụ, thiếu nước sạch.
Đó là tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp thấp nhất cả nước; tỷ lệ giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn thấp nhất trong các khu vực. Ngân sách đầu tư cho giáo dục hạn chế, xã hội hoá giáo dục nhiều khó khăn...
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
Trong đó xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững vùng. Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông trung học bán trú, trường phổ thông trung học nội trú và trường dự bị đại học. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các trường đại học trong vùng...”.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vừa phải đi con đường chung của đổi mới căn bản, toàn diện cùng cả nước, nhưng cũng cần có định hướng và đường đi riêng.
Về mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030 của vùng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Mục tiêu chung là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Đến năm 2030, giáo dục và đào tạo vùng trung du miền núi Bắc bộ được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa. Nâng cao chất lượng giáo dục, bao gồm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực ngoại ngữ, tin học. Cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tăng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho đồng bào, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Quy hoạch mạng lưới trường, lớp hợp lý hơn. Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học. Xây dựng đề án kiên cố hóa trường, lớp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học trong vùng; tập trung đầu tư phát triển một số viện/trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng trung du miền núi Bắc bộ tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước.
Định hướng về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2045: Phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiệm cận với vùng đồng bằng sông Hồng và từng bước tiệm cận với nền giáo dục phát triển.
Cùng với đó, thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng và phục vụ học tập suốt đời. Quy hoạch mạng lưới mở, không hạn chế sự phát triển của các trường tư thục. Tăng tự chủ đại học và tính chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong vùng.
Đến 2025, vùng trung du miền núi Bắc bộ cũng phấn đấu hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Bảo đảm đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cho các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng. Thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông được đầu tư mua sắm đầy đủ; bảo đảm 100% cơ sở giáo dục trong vùng đạt mức cơ sở vật chất tối thiểu.
7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD-ĐT đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 vùng trung du miền núi Bắc bộ:
1. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo.
2. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
3. Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
4. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.
5. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
6. Hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo.
7. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.