Giáo dục

Tạo dựng mối tương hỗ giữa 3 ‘Nhà’ trong đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn

06/05/2024 21:36

Tương hỗ giữa 3 ‘Nhà’: Nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp là nhu cầu thiết yếu nhằm thúc đẩy đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn cả về lượng và chất.

Doanh nghiệp cùng tham gia

Mới đây, tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, PGS.TS Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa khẳng định, Việt Nam có các điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn.

PGS.TS Hồ Xuân Năng cho hay, mục tiêu đến năm 2030, Phenikaa sẽ đào tạo tối thiểu 8.000 kĩ sư thiết kế chip và 12.000 kĩ sư theo mô hình Upskill, công nhân bậc cao trong các nhà máy lắp ráp, kiểm thử, đóng gói, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến cần bổ sung của ngành.

“Chúng tôi nhận thức rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ” - PGS.TS Hồ Xuân Năng nói.

Theo đó, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “Nhà” gồm: các cơ quan nhà nước – các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.

Trong bối cảnh này, Tập đoàn Phenikaa cùng Hệ thống giáo dục của Phenikaa đã và đang phối hợp với các đối tác chiến lược, đầu tư và xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, từ khâu nghiên cứu phát triển các sản phẩm vi mạch bán dẫn đến thiết kế, sản xuất, lắp ráp, kiểm thử, đóng gói, kết nối thiết bị; từ đó thúc đẩy sự phát triển và tham gia sâu hơn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

PGS.TS Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
PGS.TS Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn theo chiều rộng và chiều sâu đáp ứng nhu cầu xã hội; PGS.TS Hồ Xuân Năng cho hay, từ năm 2024-2025, Trường ĐH Phenikaa đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy.

Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các dòng chip thông minh, tiên tiến, hiệu quả cao, ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, với sự hợp tác với các đối tác chiến lược.

Một trong những mục tiêu chiến lược của chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn mà Phenikaa hướng đến là: có thể từng bước tạo ra những người có khả năng trở thành tổng công trình sư lãnh đạo việc thiết kế các sản phẩm chip tầm quốc tế, có ý nghĩa quan trọng cả về trình độ công nghệ và quy mô kinh tế.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực

Trao đổi về điểm đặc biệt lưu ý trong kế hoạch của Phenikaa, PGS.TS Hồ Xuân Năng cho hay:

Thứ nhất, đào tạo theo đơn hàng, theo nhu cầu thị trường. Gắn việc đào tạo với việc thành lập Công ty Phenikaa thiết kế và cung cấp dịch vụ thiết kế chip bán dẫn như là một tổ hợp dịch vụ kinh doanh.

Đây là một mô hình kinh doanh thực thụ bởi chỉ có làm như vậy mới tạo ra động lực và trách nhiệm thật sự với đầu ra, phát triển nhanh và hiệu quả. Công ty Phenikaa thiết kế và cung cấp dịch vụ thiết kế chip bán dẫn sẽ là vườn ươm tạo ra các nhân sự có năng lực của các kiến trúc sư, tổng công trình sư.

Thứ hai, phê duyệt kế hoạch dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2040 với mục tiêu cụ thể, chủ động đầu tư, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước để triển khai ngay kế hoạch kinh doanh và đào tạo.

Trường Đại học Phenikaa thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn.
Trường Đại học Phenikaa thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn.

Thứ ba, thu hút, tuyển dụng được đội ngũ chuyên gia cốt lõi, hợp tác với đội ngũ giảng viên, chuyên gia quốc tế và trong nước có chuyên môn, kinh nghiệm thực chiến lâu năm tại các Tập đoàn lớn về bán dẫn.

Thứ tư, trước mắt hợp tác với Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng thành lập Liên minh đào tạo nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công tư, lấy tên là: Liên minh VASA, để tối ưu mọi nguồn lực hiện có theo hướng chia sẻ tài nguyên, áp dụng mô hình quản trị đào tạo hiện đại, nâng cao kỹ năng (Upskill) với các chứng chỉ được giới công nghiệp chấp nhận, hướng đến đào nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao. Sau đó mở rộng liên minh này trên phạm vi toàn quốc.

Thứ năm, kết nối và ký thoả thuận hợp tác với các đối tác công/tư uy tín trong nước và quốc tế. Qua đó, nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực sau khi đào tạo; trước hết cho thị trường Việt Nam, đồng thời gửi sang các nước thuộc Chip 4 (Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Đài Loan) để làm việc nâng cao chuyên môn và quay trở lại Việt Nam khi có nhu cầu của các nhà đầu tư FDI hoặc trong nước.

PGS.TS Hồ Xuân Năng nhấn mạnh, Tập đoàn Phenikaa đã thực sự tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn với các hành động cụ thể; trước hết tập trung cho mục tiêu đào tạo phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn chất lượng cao theo yêu cầu xã hội;

Đồng thời kết nối cơ hội việc làm cho học viên sau tốt nghiệp; nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các dòng chip thông minh, hiệu quả cao, ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Tập đoàn Phenikaa cam kết không ngừng nỗ lực để đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam bằng sự nhiệt huyết, trí tuệ và khát khao cống hiến” - PGS.TS Hồ Xuân Năng khẳng định.

Bài liên quan
Khu vực miền Tây đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn
Các cơ sở giáo dục ở miền Tây đã có những bước đi “bắt nhịp” trong việc phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo dựng mối tương hỗ giữa 3 ‘Nhà’ trong đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn