Tạo thế 'ba chân kiềng' cho công cuộc đổi mới môn Ngữ văn

20/01/2024, 07:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Có ba khâu quan trọng được ví như ba chân kiềng tạo thế đứng vững vàng cho công cuộc đổi mới giáo dục ở phổ thông, trong đó có môn Ngữ văn.

Cần “san lấp” trong bồi dưỡng, đào tạo giáo viên

Sáng 19/1, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc gia “Chương trình giáo dục môn Ngữ văn 2018 và Sách giáo khoa Ngữ văn - thực tiễn dạy học môn học và những vấn đề đặt ra trong đào tạo giáo viên”.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Hiệu trường Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có môn Ngữ văn đã và đang đi vào thực tiễn. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho cơ sở đào tạo giáo viên bộ môn này.

“Sự thay đổi mục tiêu, chuẩn đầu ra, cấu trúc chương trình, nội dung dạy học, cách hình thức kiểm tra, đánh giá… là những yêu cầu có tính cấp thiết trong việc đào tạo giáo viên Ngữ văn, đáp ứng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới” - PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền nhìn nhận và cho biết, thời gian qua, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội rất quan tâm đến việc cải tiến chương trình đào tạo sư phạm Ngữ văn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Viện KHGD Việt Nam nhấn mạnh, môn học Ngữ văn tuy có lịch sử phát triển lâu dài, nhưng phương pháp dạy học hầu như ít thay đổi. Từ trước năm 2000, hầu hết là dạy học theo hướng bình văn, giảngvăn, phân tích tác phẩm... Đến chương trình Ngữ văn 2006 mới chuyển sang dạy đọc hiểu văn bản.

Chương trình Ngữ văn 2018 tiếp tục theo hướng đọc hiểu nhưng gắn với yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực. Đó là một bước tiến dài nhằm đổi mới và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đặt ra thách thức lớn đối với thực tiễn dạy học Ngữ văn, tạo nên một khoảng trống cần san lấp trong việc bồi dưỡng và đào tạo giáo viên. Nếu không làm được việc ấy, những ý tưởng đổi mới tốt đẹp của Chương trình Ngữ văn 2018 sẽ không thành hiện thực.

Đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên đến tham dự hội thảo.
Đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên đến tham dự hội thảo.

Tạo thế đứng cho công cuộc đổi mới giáo dục ở phổ thông

Nhấn mạnh, dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực là một xu thế tiến bộ không chỉ trong dạy học Ngữ văn, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng đó.

Tuy nhiên, để biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực là cả vấn đề không ít thách thức, khó khăn. “Đọc hiểu là gì đã khó; dạy đọc hiểu như thế nào còn khó hơn; khó nhất là thực hành dạy đọc hiểu trên lớp” - PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống nêu vấn đề.

Để việc đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thành công, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh, trước hết phải trông chờ vào chất lượng của việc bồi dưỡng và đào tạo giáo viên. Không ai thay thế được giáo viên.

Vì thế, gánh nặng này “đè lên” vai các trường sư phạm, nhà nghiên cứu Ngữ văn, chuyên gia về phương pháp dạy học môn học này một khoảng trống rất lớn đang cần san lấp về dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống tham luận tại hội thảo.
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống tham luận tại hội thảo.

Từ thực tiễn, GS.TS Lã Nhâm Thìn – Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới với môn Ngữ văn chỉ thực sự thành công khi tiến hành đồng bộ cả ba khâu: triển khai, chương trình, biên soạn học liệu, đào tạo giáo viên đáp ứng theo yêu cầu.

Nhấn mạnh ba điều cần lưu ý khi đổi mới nội dung dạy học Văn học ở các trường đại học sư phạm, GS.TS Lã Nhâm Thìn trao đổi: Thứ nhất, không nặng về kiến thức cụ thể mà chú trọng kiến thức mang tính vấn đề.

Thứ hai, các học phần của khoa học cơ bản có nội dung phương pháp giảng dạy chứ không đơn thuần chỉ là nghiên cứu khoa học cơ bản.

Thứ ba, cần chú ý nội dung dạy học mang tính chất liên ngành. Nên dành tỉ lệ thời gian thích hợp (khoảng từ 15 đến 30 tiết) cho các học phần về sử học, về nghệ thuật học trong chương trình Ngữ văn sư phạm.

“Đồng bộ cả ba khâu là: Triển khai chương trình, biên soạn học liệu, đào tạo giáo viên là sự bảo đảm cần thiết để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018. Thiếu một khâu nào, không ổn ở khâu nào cũng không được, vì ba khâu đó ví như ba chân kiềng tạo thế đứng vững vàng cho công cuộc đổi mới giáo dục ở phổ thông.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho biết, Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 bài viết khoa học và báo cáo trình bày của các nhà khoa học, nhà giáo dục trong và ngoài nhà trường. Các tham luận cho thấy sự phong phú, đa dạng với các góc độ tiếp cận khác nhau trong việc nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề đặt ra trong đào tạo giáo viên ngữ văn, đáp ứng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo thế 'ba chân kiềng' cho công cuộc đổi mới môn Ngữ văn