Từ ngày 20/2-23/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn xây dựng câu hỏi thi, đề thi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018 tại Thái Nguyên.
Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Thường xuyên. Về phía Đại học Thái Nguyên có PGS.TS Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên; đại diện trường Đại học Sư phạm; cùng các chuyên gia, giáo viên từ các tỉnh trên cả nước.
Tại chương trình, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018, định hướng đánh giá năng lực người học lần đầu tiên sẽ diễn ra.
Đây là một Kỳ thi cấp quốc gia đặc biệt quan trọng do đó, tất cả các công tác liên quan đến kì thi tốt nghiệp THPT 2025 đã được chuẩn bị theo tinh thần từ sớm, từ xa, khoa học, kết nối và đặc biệt không chủ quan. Riêng công tác đề thi được xem là một trong những nội dung trọng tâm nhất.
Về công tác đề thi, đến thời điểm này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn lần 1 và lần 2 cho đội ngũ giáo viên toàn quốc về đánh giá năng lực từ các chuyên gia nước ngoài và trong nước cũng như cách thức, phương pháp ra câu hỏi thi, đề thi đánh giá năng lực cho kì thi tốt nghiệp THPT. Công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT theo định hướng đánh giá năng lực cho tất cả các môn học.
Có thể nói, các nội dung triển khai này đã có tác động hết sức tích cực tới đội ngũ giáo viên cũng như học sinh về vấn đề dạy và học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực.
Đợt tập huấn lần này, có sự tham gia của 37 chuyên gia, bao gồm các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả Chương trình GDPT 2018 và các bộ SGK; các giảng viên đại học tham gia các hội đồng thẩm định SGK và trực tiếp tham gia vào nhiều công việc liên quan đến chương trình GDPT.
Các chuyên gia là những người vừa cung cấp kiến thức cốt lõi về xây dựng câu hỏi thi, đề thi đánh giá năng lực cho kì thi tốt nghiệp THPT theo đúng mục đích đã đề ra; vừa trực tiếp thu nhận, làm rõ và giải đáp các thắc mắc của giáo viên tham gia tập huấn; vừa tham ra làm nhiệm vụ phát triển đội ngũ cho công tác đề thi của địa phương và trung ương.
951 giáo viên của 12 môn học đến từ 63 tỉnh thành, trong đó có 17 thầy cô là chuyên viên của các sở GD&ĐT (Riêng các môn ngoại ngữ khác tiếng Anh sẽ tập huấn online nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, do số lượng không nhiều).
Đây là những giáo viên ưu tú, cốt cán được lựa chọn từ các địa phương, là những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, lại là những người sẽ đóng vai trò là chuyên gia để tập huấn nhân rộng ở địa phương cũng như sẵn sàng tham gia các công tác chuyên môn của địa phương và trung ương.
Ngoài ra, còn có 11 chuyên viên của Vụ Giáo dục Trung học, 3 chuyên viên của Vụ Giáo dục Thường xuyên và 4 chuyên viên của Cục Quản lý chất lượng.
Thông qua lớp tập huấn, nhằm phát triển năng lực cho đội ngũ xây dựng câu hỏi thi, đề thi theo định hướng đánh giá năng lực cho cả địa phương và quốc gia. Trên cơ sở đó, tham mưu lựa chọn đội ngũ thầy giáo, cô giáo có năng lực và phẩm chất để tham gia sâu vào các công tác chuyên môn của Bộ giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, đóng góp vào việc xây dựng thư viện câu hỏi thi có tính mở.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự tâm huyết trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia các nhà khoa học, các chủ biên, tổng chủ biên, các thầy cô giáo đã tham gia thẩm định chương trình SGK, các cơ sở giáo dục đại học đã đồng hành cùng Bộ GD&ĐT; đánh giá cao công tác tham mưu, chủ động của Cục Quản lý chất lượng khi thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhạy cảm và phức tạp, liên quan trực tiếp tới các quyền lợi của học sinh, được xã hội rất quan tâm.
Năm 2025, đề thi được xây dựng theo chương trình GDPT 2018, những ngữ liệu của đề thi không sử dụng ở bất kỳ bộ SGK nào, do đó công tác đánh giá, kiểm tra thường xuyên, định kỳ và kiểm tra cuối cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng trở nên quan trọng. Bởi vậy, chương trình học và hoạt động đánh giá, kiểm tra phải có mối quan hệ logic thống nhất, để phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, hình thành ý thức phương pháp, thói quen năng lực tự học của học sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong muốn, trong thời gian tập huấn các chuyên gia, các nhà khoa học, các thầy cô tập trung trí lực, tâm huyết trách nhiệm, công tâm để xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình làm việc, các chuyên gia phát hiện các thầy cô có phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ tốt để phát huy nguồn lực lâu dài cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các thầy cô đã tham gia tập huấn khi trở về địa phương, Sở GD&ĐT các tỉnh cần ghi nhận, tôn vinh và sử dụng hiệu quả đội ngũ cốt cán.