Tây Ban Nha trên thực tế là đội tuyển sở hữu lối đá lẫn tư duy rất riêng biệt trong bóng đá. Ngay cả khi dẫn bàn, "La Roja" vẫn không từ bỏ quyền kiểm soát bóng. Ngược lại, càng dẫn bàn, Tây Ban Nha càng muốn "đá ma" với đối thủ trước khi tìm cơ hội ghi thêm nhiều bàn thắng.
Trong trận đấu với Nhật Bản trên sân Khalifa, Tây Ban Nha của Enrique đã kiểm soát bóng tới 82,3%, sút tới 7 lần sau khi thua ngược. Con số này trực tiếp biến Nhật Bản với 17,7% thời lượng kiểm soát bóng đi vào lịch sử World Cup với tư cách đội thắng cuộc cầm bóng ít nhất.
Bàn gỡ hòa của Ritsu Doan là một biểu tượng cho tinh thần, sự liều lĩnh lẫn chất lượng trong cả đấu pháp lẫn từng cá nhân của Nhật Bản. "Samurai xanh" đã dồn tới 7 người đến quanh vùng cấm của Tây Ban Nha để pressing tổng lực, buộc Unai Simon mắc sai lầm.
Nhật Bản dồn 7 cầu thủ sang phần sân Tây Ban Nha để pressing ngay từ phần sân nhà và có thành quả là bàn gỡ hòa. |
Ngay khi giành lại được bóng từ tranh chấp trên không, Ritsu Doan lập tức đón bóng hai, xử lý tình huống cực nhanh để ghi bàn từ cú sút xa. Không đội tuyển nào chỉ nhờ đối thủ nhả để đi tiếp sở hữu chất lượng kiểu này.
Bàn ấn định tỷ số của Ao Tanaka có thể vẫn đang đặt ra nhiều câu hỏi về vị trí của bóng trước khi được tạt vào. Song đừng quên Kaoru Mitoma đã đi đến cùng khi bóng tưởng chừng hết đường biên. Tinh thần không bỏ cuộc kiểu này nếu bị đánh đồng với sự may mắn khi được đối thủ "nhả" thì hơi đáng buồn cho những bên đang nghĩ tới thuyết âm mưu.
Trên hết, nếu nghĩ Tây Ban Nha nhả Nhật Bản để loại Đức, giới quan sát hoàn toàn lại rơi vào bẫy định kiến về châu Á tại sân chơi World Cup. Bóng đá của lục địa đông dân nhất thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng xứng đáng được tôn trọng và ghi nhận.