Sau lời cúng, chủ nhà cầm bát nước đổ lên phần cổ của con lợn để thể hiện sự sạch sẽ khi làm đồ lễ dâng cúng tổ tiên, bát nước đó khi đổ đi cũng là mong muốn những điều không may mắn của năm cũ sẽ qua đi và một năm mới bắt đầu sẽ tốt đẹp hơn.
Khi mổ lợn đón Tết, người Hà Nhì thường bói gan lợn. Nếu gan lợn lành lặn, màu sắc tươi thì tốt. Mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi mới phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.
Tiếp đó, chủ nhà lấy tay bốc ít đồ lễ trên mâm cúng bỏ xuống đầu giường. Người Hà Nhì quan niệm rằng đó là gắp thức ăn mời tổ tiên, thể hiện sự tôn trọng của con cháu đối với tổ tiên.
Sau đó, cả nhà sẽ tập trung trước bàn thờ để lậy chào tổ tiên. Chủ nhà là người lậy 3 lần. Tiếp đó, lần lượt là vợ chủ nhà và các con cháu cùng qùy lậy 3 lần. Đây là nghi lễ cúng tổ tiên cuối cùng trong ngày Tết truyền thống của người Hà Nhì.
Đến ngày thế hai, sáng sớm, các gia đình tổ chức giã bánh dày để ăn trong những ngày Tết và làm quà cho khách ở xa đến chơi khi về.
Ngày Tết thứ ba, người Hà Nhì sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi gồm các trò chơi dân gian, hát trao duyên, múa... Những chàng trai, cô gái sẽ hẹn hò nhau đến Tết sau cùng vui hát múa.
Tết cổ truyền Khù Sự Chà của người Hà Nhì ở Điện Biên là nghi lễ văn hóa tín ngưỡng truyền thống độc đáo tạo lên không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường sự giao lưu, kết nối văn hóa giữa cộng đồng dân tộc Hà Nhì và các dân tộc khác./.