Nhà công vụ của thầy cô giáo điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2. |
Bếp nấu ăn của thầy cô giáo điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2. |
Năm 2021, chúng tôi lần đầu ghé thăm điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2 đã được chứng kiến dãy phòng công vụ trên, nhưng giờ đã xuống cấp hơn. Dường như những khó khăn, vất vả đối với những giáo viên ở điểm trường này là quá đỗi bình thường. Dù thiếu thốn, nhưng họ vẫn ngày đêm miệt mài gieo con chữ cho các em học sinh dân tộc tiểu số.
“Điều mà thầy cô vui nhất là các em học sinh ở Phiêng Chầu 2 giờ đây rất thích đến trường để học chữ. Đó là món quà quý giá nhất của những giáo viên cắm bản như chúng tôi ở lại cống hiến và phấn đấu” cô Duyệt chia sẻ.
Không riêng gì ở điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2, đó là khó khăn chung của các thầy cô cắm bản. Niềm vui của giáo viên cắm bản không phải những món quà giá trị mà quà của các em tặng cô những bó hoa rừng, củ khoai, củ sắn, là những bữa cơm gia đình của phụ huynh.
Thầy giáo Dương Công Bao, công tác tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Ái Quốc (Lộc Bình, Lạng Sơn) có thâm niên 7 năm cắm bản cho biết: Ái Quốc là xã vùng ba đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình. Học sinh của trường chiếm 99% là dân tộc Dao. Niềm vui ấm áp nhất của các thầy cô giáo là vào các dịp lễ, Tết thường xuyên được các phụ huynh mời vào ăn Tết cùng.
“Người Dao thường ăn Tết trước Tết Âm lịch nên vào dịp Tết (của đồng bào Dao) bà con thường mời các thầy cô giáo vào bản chung vui. Vào với bà con, chúng tôi được đón tiếp như người nhà. Những bữa cơm ấm áp là những món quà ý nghĩa đối với giáo viên cắm bản như chúng tôi...”, thầy Bao thông tin.
Mỗi dịp Tết, xuân về lại thấy rõ hơn sự cống hiến, hy sinh của các thầy cô giáo điểm Trường Tiểu học Phiêng Chầu 2 và Trường PTDT bán trú Tiểu học Ái Quốc nói riêng cũng như các thầy cô giáo vùng cao nói chung. Giáo viên cắm bản đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đường sá xa xôi, lầy lội, quanh co, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để mang con chữ, sự hiểu biết đến với các em nhỏ vùng cao. Qua đó để mỗi mùa Xuân đi qua lại góp phần bồi đắp, thắp sáng tri thức cho học sinh vùng khó vươn lên trong học tập, xây dựng quê hương đất nước.