Các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao ở các trường đại học cần gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp.
Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cần có sự liên quan chặt chẽ đến chiến lược phát triển nhân tài.
Tại tọa đàm “Đối thoại giữa đại học và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao” do Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM đồng tổ chức hôm 27/8, chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao của Việt Nam năm 2045 đòi hỏi tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ba thập kỷ vừa qua. Điều này phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi nền kinh tế theo hướng sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, hiện ứng dụng công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp dịch vụ ở Việt Nam đang tụt hậu, ngay cả đối với những doanh nghiệp hàng đầu. Trong khi đó, nguồn cung nhân lực chuyên môn cao và sáng tạo tăng chậm, không đủ đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ. Số liệu năm 2022 cho thấy tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo nghề hoặc đại học, sau đại học của Việt Nam là 13%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia (20%), Thái Lan (21%) hay Philippines (28%).
Lấy ví dụ ngành thiết kế chip, ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế của World Bank cho biết, nhu cầu nhân lực của ngành này lên tới 15.000 người vào năm 2030 nhưng hiện tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 5.500 kỹ sư. Trong khi đó, việc đào tạo kỹ sư thiết kế chip dài hạn, và rất tốn kém, đòi hỏi nâng cao kỹ năng thường xuyên. Sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp cũng tương đối yếu.
Ngoài ra, đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D) đang rất thấp, chỉ bằng 1/6 giá trị trung bình kỳ vọng (EAP). Tỷ lệ vốn đầu tư cho R&D theo phần trăm GDP của Việt Nam trong năm 2021 chỉ bằng một nửa so với Malaysia, Thái Lan, bằng 1/5 so với Trung Quốc và 1/10 Hàn Quốc.
Đó cũng là lý do Việt Nam thiếu nhiều nhà khoa học và kỹ sư để thúc đẩy đổi mới. Hiện số nhà khoa học có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam chỉ bằng 1/8 so với các nước phát triển như Đức, Anh, và chỉ bằng 1/20 Trung Quốc.
“Tình trạng thiếu kinh phí và thiếu nhân lực R&D trong lĩnh vực khoa học công nghệ và những rào cản lớn nhất đối với chất lượng và kết quả R&D”, ông Coppola nói và cho rằng so với các nước trong khu vực, thiếu cơ sở vật chất và quan hệ doanh nghiệp yếu còn là những điểm yếu lớn của các trường đại học và trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, đại diện World Bank nhấn mạnh ba ưu tiên lớn: Xây dựng nguồn cung bền vững từ giáo dục đại học, sau đại học và đào tạo thực tế; tạo chương trình nâng cao tay nghề, kỹ năng cho kỹ sư đáp ứng yêu cầu thực tế; giảm chi phí đào tạo các ngành khoa học thông qua nâng cao nhận thức doanh nghiệp và cung cấp các khoản vay ưu đãi.
Ông Andrea Coppola đề xuất Việt Nam nâng tỷ lệ người tốt nghiệp đại học, cao đẳng lên khoảng 24,3%, gần gấp đôi mức hiện tại, đồng thời mở rộng quy mô đào tạo các ngành STEM.
“Việt Nam cần nâng số lượng lao động có bằng STEM lên cao gấp 3 - 4 lần so với mức trung bình. Bởi vì ngay cả đối với các ngành công nghệ cao, khoảng 75% lao động chuyên môn thấp với trình độ trung học không thuộc STEM và thấp hơn đang được tuyển dụng vào các hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng thấp”, ông Coppola nói thêm.
Trong khi đó, ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc bộ phận phát triển phần mềm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam (SRV) cho rằng, các trường đại học đào tạo ra nhiều cử nhân, kỹ sư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu chất lượng cao của các tập đoàn lớn.
Nguyên nhân là sinh viên không có cơ hội mở rộng, thử nghiệm những kiến thức, công nghệ mới. Do đó, trung tâm này đang hợp tác với một số trường để đào tạo những môn cốt lõi như thuật toán ứng dụng, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an toàn thông tin… SRV cũng mở các chương trình thực tập sinh cho sinh viên năm cuối để các em tiếp cận thực tế ở doanh nghiệp.
Theo Kenneth Tse, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, các trường đại học cần phối hợp với doanh nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên có kiến thức thực tế. “Chúng tôi nhận ra trách nhiệm phải hợp tác với các trường đại học để củng cố nguồn nhân lực, kỹ thuật cho Việt Nam.
Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải được tích hợp vào nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Về vấn đề kiến thức, các trường đại học đã trang bị rất tốt nhưng việc phát triển kỹ năng mềm, kỹ thuật đặc thù cho từng công ty cần đảm bảo hơn. Trong thời gian tới, Intel sẽ liên hệ với Chính phủ và các trường đại học nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc tập trung trải nghiệm thực tế”, ông Kenneth Tse cho hay.
Đóng góp ý kiến, ông Phùng Chí Hướng, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phần mềm Kaopiz cho rằng sinh viên cần nâng cao kỹ năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Các trường đại học có thể đưa các kỹ năng này vào học phần và thi, kiểm tra, cùng với đó là tạo môi trường để sinh viên sử dụng ngoại ngữ thực tế nhiều hơn. “Hy vọng Đại học Quốc gia TPHCM có thể hợp tác chặt chẽ hơn, cập nhật chương trình giảng dạy sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp”, đại diện Kaopiz cho biết.
Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn 2021-2030, đại học này sẽ tập trung đào tạo theo ba hướng mũi nhọn gồm công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.
Về đào tạo, trường sẽ đào tạo 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch; đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư; 10.000 kỹ sư, cử nhân, 3.200 thạc sĩ và 600 tiến sĩ ngành công nghệ sinh học; 20.000 cử nhân, kỹ sư 2.000 thạc sĩ, 300 tiến sĩ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Đối với nghiên cứu, đại học này cũng xác định sẽ làm chủ một số công nghệ lõi, công nghệ nền trong các lĩnh vực kể trên, đồng thời đặt mục tiêu hình thành một số doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp trong các lĩnh vực này.