Thách thức tài chính và bài toán tự chủ với đại học công lập

Anh Tú | 03/08/2022, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) nhất là hệ thống giáo dục công lập phát triển, ngoài bệ phóng là hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ thì tài chính đóng vai trò tối quan trọng. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây vẫn là thách thức lớn với hệ thống đại học công thời gian tới.

Kinh nghiệm từ thực tế

Theo GS.TS Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội, tài chính đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của một trường đại học, nhất là trong công tác khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động NCKH của giảng viên, sinh viên - chìa khóa để tạo ra sự đột phá cho các thành tựu nghiên cứu và chuyển giao. Vì vậy, với các trường đại học công lập, tự chủ tài chính là hướng đi tất yếu, nhu cầu thiết thân của từng đơn vị nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng chủ động trong học thuật.

“Trên thế giới, tự chủ đại học gắn liền với các hình thức, mô hình hợp tác công tư PPP (Public Private Partnership) nhằm đa dạng hóa nguồn lực tài chính, đặc biệt là thu hút nguồn lực xã hội, tăng nguồn thu để phát triển; gắn kết doanh nghiệp với đại học, tạo ra các trụ cột vững chắc là điều không mới.

Để gia tăng nội lực tài chính cho đơn vị, thời gian qua ĐHQG Hà Nội đã xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển đến năm 2035 với một số giải pháp cụ thể trong việc thực hiện mô hình PPP. Kết quả đã có những chuyển biến tích cực nhất là về nguồn lực tài chính trong các trường thành viên” - GS.TS Lê Quân cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tài chính của Trường ĐH Indiana, GS M.A Venkat cho hay, giai đoạn đầu, 75% ngân sách hoạt động của trường từ nguồn tài trợ của chính quyền bang do đây là đại học trọng điểm của bang Indiana.

“Nguồn ngân sách này được phục vụ cho việc thúc đẩy các hoạt động giáo dục sinh viên, bồi dưỡng sự vượt trội trong công tác nghiên cứu và tạo điều kiện tiếp cận để hỗ trợ nhu cầu của bang và chính quyền liên bang. Các khoản trợ cấp khác cho trường chiếm 10% tổng ngân sách. Nguồn thu học phí là 10% và nguồn thu từ từ thiện, phụ trợ, phí dịch vụ là 5%. Tuy vậy, trong những năm gần đây, chính quyền bang Indiana chỉ tài trợ không hoàn lại khoảng 25% chi tiêu ngân sách cho trường và khuyến khích các trường tự tìm những nguồn thu khác” - GS Venkat chia sẻ.

Và để tự lực trên đôi chân của mình trong bài toán tài chính, Trường ĐH Indiana đã tìm kiếm nguồn thu chủ yếu từ học phí của sinh viên song hành với việc nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ chăm sóc người học cùng chính sách học bổng. Cụ thể, trường đã tăng học phí đối với sinh viên ngoài bang theo học tại đây và thúc đẩy hoạt động chuyển giao, hợp tác với doanh nghiệp.

“Hiện nay, thu học phí từ các chương trình đào tạo cao học online của ĐH Indiana khá lớn. Ngoài ra, ĐH này còn có nhiều dự án nghiên cứu đột phá mang lại nguồn thu ổn định. Điều này giúp cho trường tăng nguồn thu từ 2 tỷ USD năm 2020 lên 4 tỷ USD trong năm nay.

Trong đó, nguồn thu học phí đóng góp gần 60% tổng ngân sách. Nguồn tài trợ của chính phủ và các tổ chức liên bang chiếm khoảng 15%, tài trợ thiện nguyện là 5% và phần còn lại đến từ các quỹ tài trợ. Ngoài ra, nguồn thu đến từ việc chính quyền liên bang tài trợ qua dự án nghiên cứu (khoảng 200 triệu USD). Rõ ràng, tự chủ tài chính là chìa khóa để giải bài toán thách thức ngân sách cho các trường đại học công” - GS Venkat nói.

“Khác với các trường đại học tư, trường đại học công lập có sứ mệnh duy trì và tiếp tục phát triển đào tạo các ngành/chuyên ngành học có ít người học lựa chọn nhằm đáp ứng sứ mệnh, nhiệm vụ và yêu cầu cho sự nghiệp phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, thách thức mà đơn vị này phải đối mặt trong thời gian tới là vấn đề tài chính.

Các trường đại học công lập đang hướng đến thực hiện tự chủ đại học, sẽ không được nhận kinh phí thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Xu hướng này khiến trường công phải xem xét đến việc điều chỉnh tăng học phí để tạo nguồn thu cho các hoạt động. Học phí cao sẽ làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học” – PGS.TS Phương Lan nhìn nhận.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thach-thuc-tai-chinh-va-bai-toan-tu-chu-voi-dai-hoc-cong-lap-post602935.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thach-thuc-tai-chinh-va-bai-toan-tu-chu-voi-dai-hoc-cong-lap-post602935.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức tài chính và bài toán tự chủ với đại học công lập