Hàng ngày, không chỉ thực hiện tốt quy chế chuyên môn ở trường, thầy Y Thắng còn cần mẫn băng rừng, lội suối mang cái chữ đến với học trò nghèo ở nơi thâm sơn, cùng cốc. Em nào không thể đến trường, thầy đều đến tận nhà vận động và ở lại nhà động viên gia đình cho con em đi học.
Cô H’ Thuỷ Tơ, đồng nghiệp với thầy Y Thắng tâm sự: “Trường đóng chân ở địa bàn vùng sâu, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Nhiều em xa trường, một số em khác có nguy cơ bỏ học. Thế nhưng, hơn 15 năm qua, thầy Y Thắng vẫn luôn nhiệt huyết trong công tác vận động, kéo các em đến trường. Gia đình nào khó khăn, thầy ở lại phối hợp với buôn để hỗ trợ… Thầy luôn nhắc chúng tôi, không thể vì lý do này, lý do khác mà để các em thất học”.
Cũng theo lời cô H’ Thuỷ, các thầy cô ở đây đều kính trọng thầy Y Thắng bởi sự nhiệt huyết, ý chí, nghị lực phi thường và nguồn năng lượng “vô tận” trong công việc.
“Trong giảng dạy, Y Thắng luôn tìm phương pháp dễ hiểu nhất cho học trò. Trong quản lý, thầy hết sức trách nhiệm và hoà đồng với mọi người. Cái gì có thể góp ý hay giúp đỡ đồng nghiệp được là thầy làm ngay, không hề toan tính thiệt hơn. Trong lối sống, là người có tác phong chững chạc, gương mẫu.
Năm học vừa rồi, do tôi nuôi con nhỏ, mà trong lớp có 2 học sinh người Mông ở xa có nguy cơ phải bỏ học. Khi tôi chưa kịp trình bày hoàn cảnh, thầy Y Thắng đã nói ngay, “để đó anh đi cho”. Thế là hôm sau, 2 em học trò của tôi lại được đi học. Tôi nể thầy Thắng nhất là cái khoản nắm chắc hoàn cảnh học sinh của trường như trong lòng bàn tay mình”, cô H’ Thuỷ tâm sự.
Tương tự, cô Phạm Thị Hồng và những thầy cô giáo trẻ nơi đây rất quý thầy Y Thắng. “Dù công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa với rất nhiều khó khăn bủa vây, nhưng chúng tôi luôn thấy ấm áp, tự tin bởi có thầy Y Thắng đồng hành. Trong chuyên môn, là người đi trước, nắm chắc kĩ năng, phương pháp, khi đồng nghiệp cần thầy đều truyền lại một cách ân cần. Đặc biệt là phương pháp nắm địa bàn, phương pháp giáo dục, rèn luyện học sinh đặc biệt”, cô Hồng nói.
Từ học trò cũ nay thành đồng nghiệp của thầy Y Thắng, Lữ Tuấn Anh Kiệt chia sẻ: “Nhiệt tình là đức tính đầu tiên của thầy. Trong tất cả công việc, thầy luôn là người đi trước về sau. Thầy quan tâm đến những cái nhỏ nhất của học sinh. Thầy sống rất tình cảm, ấm áp và nhẹ nhàng với học trò. Nhân cách, lối sống của thầy đã ảnh hưởng đến quyết tâm học để thành thầy giáo của em”.
Cũng theo Anh Kiệt, bản thân học được ở thầy Y Thắng nhiều nhất là bản lĩnh, kỹ năng trong công tác xã hội. “Hồi đi học, em có tính cách hơi ngỗ ngược. Nhưng cứ đến tiết Hoá học của thầy lại rất thích. Bởi thầy luôn lồng ghép vào nội dung bài giảng những bài học làm người tử tế. Điều đó đã giúp em thấy mình cần phải học tập tốt hơn, bớt tính ngỗ ngược…”, Anh Kiệt lý giải thêm.
Thầy Y Thắng Rơ Yam đến tận nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình. |
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Y Thắng chọn cho mình con đường dạy học để thực hiện ước mơ “gieo chữ” cho các em nhỏ ở miền quê nghèo nơi mình được sinh ra và lớn lên. Thầy Y Thắng cho biết, dạy học là ước mơ từ thời còn bé dại. Bởi, tuổi thơ đã chứng kiến nhiều em nhỏ vì nghèo khó nên không được đi học, thiếu hiểu biết dẫn đến vi phạm pháp luật; một số thì lấy chồng, lấy vợ sớm, đẻ nhiều dẫn đến cuộc sống khó khăn và không hạnh phúc.
Khi hỏi về việc bản thân luôn được đồng nghiệp, học sinh và người dân hết lòng ca ngợi, thầy Y Thắng chỉ cười hiền từ rồi nói: “Đó là nhiệm vụ mà. Là người con của núi rừng Tây Nguyên, mình được học nhiều hơn, giờ giúp được bà con cái gì thì phải hết lòng, hết sức mà giúp. Công lao, thành tích là của cả tập thể chứ có phải của riêng gì mình đâu!”.
Cô học trò H’ Mai Bkrông hồ hởi kể, nếu không có những bài học từ thầy Y Thắng, em không chắc mình có thể quyết tâm thành cô giáo như hôm nay. “Giờ thành đồng nghiệp của thầy, dù không cùng chuyên ngành, nhưng vẫn thường xuyên được thầy góp ý về phương pháp dạy học… Chính nhờ sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của thầy, nhất là phương pháp giáo dục học sinh đặc biệt, phân loại, nhóm, đối tượng học sinh để giáo dục, đã giúp cho giáo viên trẻ như em tự tin phát triển chuyên môn, nghiệp vụ”, H’ Mai chia sẻ.