Tham vấn ý kiến để xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật với nhà giáo

Hiếu Nguyễn | 30/06/2022, 15:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Các chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có những trao đổi, góp ý, đề xuất tâm huyết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Những ý kiến này được chia sẻ tại hội thảo "Tham vấn chuyên môn về chính sách nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay" do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), phối hợp với Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam tổ chức ngày 30/6.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Chính sách, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn từ năm 2022-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo và các vấn đề liên quan.

Tháng 3/2022, trên cơ sở báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thẩm định, trình Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo vào phiên họp tháng 12/2022 của Chính phủ. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai rà soát hệ thống chính sách nhà giáo hiện hành, hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.

Kết quả rà soát cho thấy, số lượng đội ngũ nhà giáo đang hoạt động trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam ngày càng phát triển, đội ngũ này đã và đang có những đóng góp nhất định trong các hoạt động giáo dục ở các cấp, bậc học và các loại hình cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo người nước ngoài vẫn còn những bất cập, chưa đồng bộ với hệ thống chính sách hiện có của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

“Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến tham vấn chuyên môn để Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ sở tiếp tục đề xuất các chính sách nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn" - TS. Nguyễn Thị Hương cho hay.

Tham vấn ý kiến để xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật với nhà giáo ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Chính sách, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục báo cáo tổng quan về chính sách nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Thế Đại.

Với góc nhìn từ một trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài, GS.TS Rick Bennett, Phó hiệu trưởng trường Đại học Anh Quốc Việt Nam chia sẻ một số băn khoăn, như: Việc yêu cầu trường phải tuyển được toàn bộ đội ngũ giảng viên trước khi tuyển được sinh viên đầu tiên là chưa phù hợp về mặt kinh tế; đòi hỏi giảng viên phải có từ 3-4 năm kinh nghiệm giảng dạy, điều này cũng xung đột với thực tế vì có khối ngành trong điều kiện công nghệ phát triển là rất mới… Từ thực tiễn này, GS.TS Rick Bennett mong muốn có sự tham góp ý kiến của các tổ chức giáo dục quốc tế, tổ chức giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trước khi các văn bản này được thông qua.

Trong phát biểu của mình, GS.TS Rick Bennett cũng mong mỏi nước sở tại tin tưởng vào các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế; như ở Vương Quốc Anh và Úc, cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục được đánh rất cao với quy trình kiểm định chất lượng nghiêm ngặt, được ghi nhận không chỉ trên đất nước của họ mà còn trên toàn thế giới. Cùng với đó, ông đồng thời bày tỏ, cần có thêm sự minh bạch, công khai giữa 2 khái niệm: Trường đại học quốc tế và trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Tham vấn ý kiến để xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật với nhà giáo ảnh 2

GS.TS Rick Bennett, Phó hiệu trưởng trường Đại học Anh Quốc Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Đại.

Đại diện sở GD&ĐT Hà Nội, bà Trần Thị Yến, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ nhận định: Đối với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, đội ngũ nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam đã có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển của giáo dục-đào tạo. Bởi vậy, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến quyền lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ này để họ có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến sức lực, trí tuệ cho Ngành.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài, các cấp có thẩm quyền cần ban hành đầy đủ các văn bản làm căn cứ pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện.

Nếu Luật Nhà giáo được xây dựng, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất đưa vào văn bản 3 nội dung. Thứ nhất, xây dựng hệ thống phân cấp quản lý phù hợp, tạo điều kiện để cơ quan quản lý chuyên môn được chủ động trong công tác quản lý chỉ đạo. Thứ hai, quy định đầy đủ các quyền của nhà giáo, trên cơ sở đó thu hút người tài, người có năng lực làm việc trong Ngành. Thứ ba, bổ sung chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý, giáo viên khối ngoài công lập được áp dụng như khối các trường công lập.

Tham vấn ý kiến để xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật với nhà giáo ảnh 3

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải thay đổi được nhận thức và đánh giá đúng vai trò của giáo dục ngoài công lập; bởi đâu đó vẫn còn quan niệm giáo dục công lập và ngoài công lập như ”con đẻ”, ”con nuôi”. Nguyên Thứ trưởng cũng cho rằng, các giáo viên ngoài công lập cần được tạo điều kiện về bồi dưỡng, tôn vinh như giáo viên công lập; đồng thời phải làm sao để bảo đảm giáo viên từ ngoài công lập sang trường công và ngược lại có sự chuyển đổi liên thông, ví dụ như được bảo lưu thời gian công tác, các thành tích đạt được...

Tại hội thảo, các ý kiến trao đổi tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam hiện nay đang được thực hiện tại địa phương/cơ sở giáo dục.

Cùng với đó là các chính sách riêng được địa phương, đơn vị thực hiện, quy định về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, tiêu chuẩn của nhà giáo; công tác tuyển dụng, sử dụng, bố trí phân công; chính sách thu hút trong tuyển dụng nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài. Các chính sách riêng của địa phương, đơn vị để hỗ trợ, phát triển đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhất là các chính sách hỗ trợ đối với các khu vực đặc thù (vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất...).

Các trao đổi tại hội thảo cũng tập trung vào sự tham gia của nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài trong các hoạt động chuyên môn, các hoạt động tri ân, tôn vinh, khen thưởng của ngành. Vai trò của các tổ chức đoàn thể, các hiệp hội đối với sự phát triển của đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham các hoạt động giáo dục tại địa phương, đơn vị.

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu đến từ các địa phương, cơ sở giáo dục và các cá nhân, tổ chức liên quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách hiện hành, giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham vấn ý kiến để xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật với nhà giáo