Còn theo Bộ Xây dựng, qua báo cáo của các địa phương, tới nay đã có gần 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng nộp hồ sơ đề nghị vay vốn.
Cần sớm tháo gỡ điểm nghẽn
Nhà ở xã hội khan hiếm trong khi nhu cầu cao đã khiến phát sinh khâu trung gian. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số hành vi tiêu cực, giảm niềm tin về chính sách đối với nhà ở xã hội.
Về vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định: Sẽ thu hồi nhà ở xã hội đã bán sai đối tượng. Theo ông Sinh, pháp luật liên quan đối tượng thụ hưởng các chính sách về nhà ở xã hội được ban hành đã rất rõ. Tùy theo từng đối tượng cụ thể, pháp luật nhà ở đã quy định cụ thể việc xác nhận về đối tượng, điều kiện thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, điều kiện thu nhập cho UBND cấp huyện, cấp xã, cơ quan quản lý nhà ở công vụ, cơ sở đào tạo và các cơ quan có liên quan. Chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách người dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để hóa giải điểm nghẽn khi phát triển nhà ở xã hội cần có “một cuộc cách mạng” trên nhiều khía cạnh.
Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, vấn đề căn cốt hiện nay là cần giảm các đầu việc trong trình tự thủ tục hành chính. Khi đã có chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền thì không cần thẩm định thiết kế cơ sở để giảm được rất nhiều thời gian. Hay như việc lựa chọn chủ đầu tư dự án, khi xác định các DN có nhu cầu tham gia triển khai dự án, xét thấy đủ điều kiện thì nên tổ chức bốc thăm cho nhanh, còn nếu thực hiện theo đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thì thủ tục hành chính phải mất đến gần 2 năm. Chưa kể các thủ tục hành chính khác nên thời gian triển khai dự án sẽ rất lâu.
“Với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, sinh viên thì thủ tục hành chính phải thiết kế riêng, thật tinh gọn, giảm thiểu hơn dự án nhà ở thương mại. Như vậy, cũng là thu hút được DN tham gia xây dựng, tăng nguồn cung" - ông Thành cho biết.
Ở một góc nhìn khác, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vướng mắc về thủ tục hành chính là điểm chung của nhiều ngành nghề, lĩnh vực gây bức xúc cho DN, người dân. Thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở xã hội lại càng phức tạp, mà mức lợi nhuận thấp, nên DN không mặn mà với loại hình sản phẩm này. Trong khi nếu thủ tục hành chính vẫn phức tạp sẽ dẫn đến vốn ứ đọng, tăng suất đầu tư thì các chi phí này lại do DN chịu.
Còn ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, muốn tăng nguồn cung nhà ở xã hội phải tạo được quỹ đất, thủ tục hành chính, nguồn vốn… phải được khơi thông. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn, thực chất hơn cho chủ đầu tư mới thu hút được nhiều DN tham gia. Như định mức lợi nhuận hiện nay cao nhất là 10%, nhưng trong tương lai các mức ưu đãi cao hơn như 15%, 20%... thì cần nghiên cứu xem xét sao cho thực chất, đúng mức.
Theo Bộ Xây dựng, chi phí xây dựng 1m2 chung cư cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào số tầng cao, tầng hầm của tòa nhà chung cư. Dao động từ 8,6 - 13,1 triệu đồng/m2 (nhà 5 tầng). Giá cao nhất là chung cư cao từ 36-50 tầng, có tầng hầm, chi phí xây dựng từ 15,6 - 18,3 triệu đồng/m2. Suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (dưới 20 tầng), nhà ở liền kề thấp tầng trung bình 5,1 - 8,8 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá bán thực tế ở một dự án nhà ở xã hội xấp xỉ 20 triệu đồng/m2; cao hơn 2 lần so với suất vốn đầu tư cao nhất của nhà ở xã hội là 8,8 triệu đồng/m2, theo tính toán của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, để giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật như tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan; tiếp tục làm việc một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội; đẩy nhanh việc triển khai gói hỗ trợ đi vào thực tiễn.