Tháo gỡ 'điểm nghẽn'

Gia Khánh | 23/03/2023, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc hiểu và thực hiện nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non ở các địa phương vẫn chưa đồng bộ và sâu rộng...

Triển khai Nghị định 105/2020/NĐ-CP (Nghị định 105), đến nay Hội đồng Nhân dân nhiều tỉnh thành đã ban hành nghị quyết hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp (KCN) và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN.

Theo đó, mức hỗ trợ của đa số địa phương dành cho trẻ em là 160.000 đồng/trẻ/tháng; Mức hỗ trợ đối với giáo viên là 800.000 đồng/người/tháng. Nhiều địa phương đã dành mức hỗ trợ cao hơn quy định của Nghị định 105, như Đà Nẵng hỗ trợ trẻ 200.000 đồng/tháng...

Chính sách hỗ trợ hết sức nhân văn, thiết thực, Nghị định 105 không chỉ là bệ đỡ cho giáo dục mầm non phát triển mà còn có tác động an sinh xã hội rất lớn, nhất là đối với người lao động ở các KCN. Thế nhưng thực tế sau hai năm triển khai, đến nay, ở nhiều địa phương lại có quá ít cơ sở mầm non, giáo viên và trẻ em được thụ hưởng.

Khảo sát kết quả triển khai Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ở địa bàn có KCN ở một số quận huyện của HĐND TPHCM mới đây cho thấy những con số rất đáng băn khoăn. Cả Quận 12 chỉ có 104 trẻ, 3 giáo viên được thụ hưởng. Quận Tân Bình sát bên các khu công nghiệp lớn, có tới 16.000 trẻ, nhưng chỉ có 30 trẻ thuộc diện nhận được hỗ trợ. Tình hình không chỉ ở TPHCM, nhiều tỉnh thành khác sau 1 - 2 năm triển khai Nghị định 105 cũng có số lượng giáo viên/trẻ nhận hỗ trợ chưa tương xứng với thực tế, như Sóc Trăng, Cần Thơ, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế…

Có nhiều nguyên nhân khiến chính sách hỗ trợ trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN không đến được nhiều đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh quy định người thụ hưởng quá hẹp, hồ sơ thủ tục nhiêu khê, mất thời gian, một nguyên nhân đáng chú ý gây “nghẽn” là công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ chưa đạt được sự quan tâm rộng rãi của xã hội.

Một số địa phương không có KCN chủ quan không có đối tượng hưởng chính sách nên chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền. Chẳng hạn tại TPHCM, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (Quận 12) có thể gửi con ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn lân cận, trong lúc công tác tuyên truyền lại chỉ bó hẹp trên địa bàn phường Hiệp Thành, nơi có khu công nghiệp trú đóng.

Việc hiểu và thực hiện nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non ở các địa phương vẫn chưa đồng bộ và sâu rộng, mỗi đơn vị hiểu một cách về địa bàn có KCN. Làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện công đoàn cơ sở ở Thừa Thiên - Huế cũng thẳng thắn nhìn nhận là chưa tập trung tuyên truyền để công nhân tiếp cận Nghị định 105 và nghị quyết của tỉnh về hỗ trợ giáo dục mầm non.

Thực tế cho thấy những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, chính sách hỗ trợ đến với đúng đối tượng thụ hưởng nhanh hơn, rộng hơn. Như ở Đà Nẵng, tính đến tháng 10/2022, đã có 6.895 trẻ được đề nghị hỗ trợ, với tổng kinh phí dự kiến trên 1,8 tỷ đồng; 394 giáo viên được đề xuất hỗ trợ, tổng kinh phí dự kiến trên 555 triệu đồng; dự kiến có 46 cơ sở GDMN đủ điều kiện được hỗ trợ trong năm học 2022 - 2023, tổng kinh phí 920 triệu đồng.

Cùng với việc điều chỉnh một số bất cập về đối tượng thụ hưởng, hồ sơ thủ tục, để những chính sách ưu việt của Nghị định 105 đến được với đông đảo trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN và giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN, việc tăng cường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về mặt chính sách là hết sức quan trọng. Nếu chỉ mình ngành Giáo dục tuyên truyền cho nhà trường, phụ huynh, mà các KCN, doanh nghiệp không cùng đồng hành mạnh mẽ, thì chính sách tốt đến đâu cũng khó đạt được hiệu quả như ý.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan
Đào tạo liên thông: Nhìn vào thực tế để tháo gỡ điểm nghẽn
Đào tạo liên thông còn nhiều khó khăn cần giải pháp tháo gỡ...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ 'điểm nghẽn'