Riêng với dự án này, UBND tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định việc chuyển đổi đất rừng. Hiện hai bộ này đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Còn với dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná có chiều dài trên 11 km đang vướng giải phóng mặt bằng. Hiện cả 2 dự án thành phần còn 14 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng nên chưa thể tổ chức triển khai thi công. Đối với dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải có chiều dài tuyến trên 13 km, hiện còn 9 hộ dân chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng; trong đó, 8 hộ có nhà ở và 1 hộ có vật kiến trúc. Nhiều hộ dân chậm bàn giao mặt bằng là do có nhà ở trên đất và chờ giao đất ở theo quy định tại khu dân cư.
Theo ông Tân, đối với những phân đoạn đã có mặt bằng thi công, chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc các đơn vị thi công, bàn giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đạt tiến độ đề ra đáp ứng tiến độ giải ngân công trình. Chính quyền địa phương cũng đang tăng cường phối hợp, làm việc với các bộ, ngành Trung ương để sớm hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng cho dự án.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục cùng với các sở, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin điều chỉnh vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná để đáp ứng kế hoạch đề ra. Đối với khâu giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện vùng dự án tăng cường tuyên truyền; đồng thời, tìm giải pháp để giải quyết dứt điểm khâu đền bù cho người dân để sớm bàn giao mặt bằng thi công cho dự án.