Tháo gỡ những 'điểm nghẽn' cơ chế thực hiện tự chủ đại học

02/03/2024, 07:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời gian qua, tự chủ giúp giáo dục đại học Việt Nam phát triển vượt bậc.

Tuy nhiên, nhiều trường không còn mặn mà đăng ký tự chủ bởi nếu thực hiện sẽ bị cắt ngân sách chi thường xuyên trong khi không được tăng học phí dẫn tới khó khăn nhất định.

“Ném đá dò đường”

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) nhận xét: “Một trong những khó khăn chung của trường đại học thực hiện tự chủ là khung pháp lý liên quan chưa hoàn chỉnh. Hiện nay, trường chịu sự chi phối của những văn bản pháp lý liên quan đến đại học tự chủ và không tự chủ. Các quy định tự chủ dành cho mô hình trường thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng cũng chưa hoàn thiện. Sự chồng chéo này phần nào gây ra khó khăn nhất định cho nhà trường trong quá trình hoạt động”.

Cụ thể, muốn mở ngành học mới, các trường tự chủ phải thực hiện trình tự quy trình như trường chưa tự chủ. Hoặc trường muốn mời chuyên gia từ doanh nghiệp vào giảng dạy một số nội dung trong chương trình đào tạo thì dù là trường tự chủ hay chưa tự chủ đều phải tuân thủ quy định về thỉnh giảng cần có chứng chỉ sư phạm… Tuy nhiên không phải chuyên gia nào cũng đáp ứng được yêu cầu này. Và trường đại học dù thực hiện tự chủ cũng không thể “xé rào”.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong tự chủ đại học, các trường phải được tự chủ học phí thông qua việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về mức thu, tự chủ đào tạo trên cơ sở cam kết chuẩn đầu ra và tự chủ công tác nhân sự.

Theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, thực hiện tự chủ đại học thời gian qua còn một số vướng mắc. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thiếu nhất quán để trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học.

Một số trường đại học thực hiện tự chủ trên nhiều lĩnh vực nhưng có những quy định phải thực hiện như các trường chưa tự chủ. Chẳng hạn như, chính sách học phí chưa theo kịp, trường tự chủ không được tăng học phí. Chính sách thuế của trường tự chủ chưa rõ ràng. Các quy định về đầu tư, mua sắm… trong trường tự chủ cũng chịu ràng buộc bởi quy định như trường chưa tự chủ.

Những vướng mắc này dễ dẫn đến tâm lý ngại tự chủ ở các trường chưa triển khai. Theo Giám đốc ĐH Đà Nẵng, tự chủ đại học hiện như công cuộc “ném đá dò đường”. Nhiều trường không còn mặn mà đăng ký tự chủ.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tham gia cuộc thi Data Got Talent 2023. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng tham gia cuộc thi Data Got Talent 2023. Ảnh: NTCC

Cần xét tính đặc thù

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định, cần lấy tự chủ đại học làm khâu trung tâm, “điểm đột phá” trong hoàn thiện chính sách pháp luật giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo Giám đốc ĐH Đà Nẵng khi hoàn thiện chính sách pháp luật về tự chủ đại học cần quan tâm đến tính đặc thù của các trường.

“Đây là nơi tập trung đội ngũ trí thức đông đảo có sức sáng tạo và yêu cầu cao về hội nhập quốc tế nên không thể đánh đồng với đơn vị sự nghiệp công lập của các tổ chức, đoàn thể.

Cần nghiên cứu, coi các trường đại học là đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù để ban hành chính sách liên quan như: Công tác nhân sự, quy định độ tuổi, trình độ chính trị khi bổ nhiệm các chức danh chuyên môn, khoa học; tạo điều kiện về cơ chế chính sách thúc đẩy trường đại học thu hút nhân tài, nhà khoa học, chuyên gia”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ phân tích.

Hiện các cơ sở giáo dục đại học không thể bổ nhiệm chức danh khoa học (viện nghiên cứu/bộ môn…) do quá tuổi, hoặc đòi hỏi phải có trình độ trung cấp chính trị như cán bộ bình thường… Thủ tục, hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động cho chuyên gia, tình nguyện viên quốc tế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc thu hút nhà khoa học nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm sau khi nghỉ hưu ở nước ngoài về tham gia giảng dạy, nghiên cứu có lợi cho trường đại học trên nhiều phương diện.

Một yếu tố nữa, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, cần tính đến khi hoàn thiện chính sách về tự chủ đại học, đó là tính chất sở hữu. Đây sẽ là yếu tố quyết định bản chất, phương thức quản trị đại học. Đối với các trường dân lập/tư thục/có yếu tố đầu tư nước ngoài thì tài sản thuộc về cổ đông, người góp vốn, nhà đầu tư. Quyền quản lý, quyết định hoàn toàn thuộc về các chủ sở hữu nên quyền hạn của Hội đồng quản trị, Hội đồng trường rất lớn.

Nhà nước chỉ phải kiểm soát, quản lý về chất lượng, đặc biệt đối với ngành đặc thù, quan trọng như sư phạm, giáo dục sức khoẻ. Trường ngoài công lập phải hoạt động phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của hệ thống và đúng quy định pháp luật.

Nhưng với các trường công lập dù được giao tự chủ chi thường xuyên và đầu tư thì đất đai, tài sản, con người của Nhà nước nên không thể “thoát ly” hoàn toàn vai trò quản lý của bộ chủ quản, cơ quan thanh/kiểm toán Nhà nước để giao phó toàn bộ cho hội đồng trường. Vì vậy, xóa bỏ hoàn toàn vai trò bộ chủ quản là vấn đề lớn, cần nghiên cứu thấu đáo, có thí điểm, tổng kết, đánh giá. Để tạo điều kiện nên theo hướng phân quyền nhiều hơn từ bộ chủ quản, giảm dần theo sự lớn mạnh, tự chủ và hiệu quả của hội đồng trường.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét: “Hiện hội đồng trường không được ủy thác quyền lực của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Chỉ sử dụng một số quyền lực của Đảng ủy, ban giám hiệu, từ đó ra quyết định về những vấn đề của nhà trường sẽ dẫn đến một số tranh chấp nhất định”.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ đặt câu hỏi: “Ở Việt Nam, các tổ chức và trường đại học đều đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng. Đảng ủy thực hiện chức năng lãnh đạo và giám sát với đầy đủ bộ máy được tổ chức chặt chẽ theo các quy định của Đảng. Vì vậy, việc hội đồng trường có chức năng lãnh đạo và giám sát thì có trùng lặp, cần thiết không?”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhìn nhận: “Cần tạo hành lang pháp lý để khơi thông nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Nhà nước với vai trò “bà đỡ” khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, hỗ trợ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là hết sức quan trọng.

Vì vậy, Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách như thuế, đất đai… khuyến khích doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm dành nguồn đầu tư mà “điểm đến” là hỗ trợ, đóng góp cho trường đại học. Các bộ, ngành cần quan tâm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường đại học mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ thêm nguồn lực phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế”.

Bài liên quan
Tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' giúp phát triển giáo dục Mầm non
3 "điểm nghẽn" trong phát triển giáo dục mầm non là nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên; tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng…

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ những 'điểm nghẽn' cơ chế thực hiện tự chủ đại học