Thầy cô không đơn độc trên đỉnh Pơ Mu

Bài, ảnh: Hà Linh | 13/05/2023, 12:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Học sinh nghỉ học ngày đầu, thầy cô sẽ tìm hiểu, nhắc nhở. Nhưng bước sang ngày thứ 2, thứ 3 thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Bởi thế nên tỉ lệ đi học chuyên cần ở Tuần Giáo (Điện Biên) luôn đạt xấp xỉ 100%.

Học cho mình

Theo chân cô giáo Hoàng Thị Thịnh, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tới thăm nhà học trò cũ. Vừa nghe tiếng xe đỗ trước cửa, chàng thanh niên Mùa A Thụ, bản Ten Hon đã vội vã bước ra, cất tiếng chào: “Cô giáo tới thăm em ạ? Mời cô ở lại ăn cơm cùng gia đình em nhé!”.

Thụ là học trò ngoan của cô Thịnh từ vài năm trước. Vì hoàn cảnh khó khăn nên học hết lớp 12 em đi lính. Sau khi xuất ngũ, Thụ trở về lấy vợ, giúp bố mẹ làm kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Hôm rồi, cô Thịnh nghe tin vợ chồng Thụ sinh con đầu lòng, nên sắp xếp lịch tới thăm.

Nhà Thụ có tới 7 anh chị em, song không ai thất học. Các anh, chị trước của Thụ đều hoàn thành chương trình phổ thông. Hiện còn em út đang theo học Trường Đại học Y. Cũng bởi được học hành nên dù khó khăn, song các anh chị của Thụ đều có công việc, nghề nghiệp ổn định, không ai mắc tệ nạn hoặc vi phạm pháp luật.

Riêng Thụ, trong suốt hành trình trên ghế nhà trường, nhiều lần từng có ý định bỏ học đi làm thuê. Thụ bảo, mỗi lúc như vậy, cô Thịnh đều tâm sự, động viên và tìm cách tháo gỡ khó khăn để em tiếp tục đến trường. Cao điểm nhất là năm vừa học hết lớp 9, Thụ bỏ học về xuôi đi làm thuê. Mặc dù không còn dạy nữa, nhưng cô Thịnh liên tục gọi điện, rồi nhắn tin khuyên bảo em cố gắng về học tiếp phổ thông hoặc chí ít là học nghề thì mới có tương lai.

Ông Mùa Chứ Dầy (bố Thụ) tâm sự, trước kia, ông cũng không đánh giá cao việc đi học. Bởi đời ông, rồi đời cha ông vẫn mù chữ, sống nhờ cây ngô, cây lúa. Nhưng nhiều lần được thầy cô vận động, rồi chính Chủ tịch UBND xã đến nhà giảng giải thì ông hiểu, xã hội bây giờ phát triển, bọn trẻ cần được học để không bị tụt lùi. Xa hơn là phấn đấu đi làm cán bộ hoặc có kiến thức phát triển kinh tế, thoát khỏi cái nghèo, cái khổ.

“Tôi may mắn đã nghe lời thầy cô, cán bộ, cho con đi học đầy đủ nên giờ cuộc sống các con đều đỡ vất vả. Riêng thằng Thụ, đã vinh dự trở thành đảng viên rồi. Cán bộ bảo nó cố gắng phấn đấu sẽ còn tiến xa hơn nữa. Gia đình tự hào lắm!”, ông Dầy trải lòng.

Thầy cô không đơn độc trên đỉnh Pơ Mu ảnh 1

Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cùng cô giáo Hoàng Thị Thịnh tới thăm gia đình Mùa A Thụ vào tháng 4 vừa qua.

Thầy cô không đơn độc

Nằm trên dãy Pơ Mu, ở độ cao trung bình từ 1.200 - 1.800m so với mực nước biển nên xã Tênh Phông quanh năm mây mù bao phủ. Hành trình “gieo chữ” của giáo viên nơi đây bởi vậy cũng nhiều gian truân. Thế nhưng, như lời chia sẻ của thầy Mai Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông thì “thầy cô không hề đơn độc”.

“Tôi mới về trường nhận nhiệm vụ 2 năm nay nhưng hiểu rất rõ sự khác biệt. Phải nói, so với những địa bàn tôi từng giảng dạy, chưa nơi nào ý thức về việc học của người dân tốt như ở đây. Giáo viên nhà trường chia sẻ, nhiều năm nay đã không còn phải lo lắng về sĩ số. Việc vận động học sinh ra lớp cũng thuận lợi hơn rất nhiều”, thầy Hà bộc bạch.

Đầu mỗi năm học, giáo viên nhà trường chỉ tổ chức đến nhà học sinh 1 lần để thông báo lịch tới trường và kế hoạch học tập. Đến ngày nhập học phụ huynh tự giác đưa con em ra lớp. Để có được kết quả đó, vai trò đóng góp không nhỏ từ chính quyền địa phương. Theo đó, UBND xã thành lập riêng một Ban vận động học sinh ra lớp. Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã, trực tiếp làm Trưởng ban. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh là Phó Chủ tịch UBND xã do có con theo học trong trường.

“Các Ban này chính là sợi dây kết nối giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng dân cư. Bất cứ trường hợp học sinh nào vắng chưa rõ lý do đều được thông tin kịp thời đến các Trưởng ban. Từ đây, họ sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, phối hợp với thầy cô hoặc chủ động tìm hiểu nguyên nhân, lý do để có phương án can thiệp kịp thời”, thầy Hà cho hay.

Nói về nhiệm vụ này, Chủ tịch xã Mùa A Dụa bảo: Không chỉ hiện tại mà các thế hệ lãnh đạo thời kì trước đã rất quan tâm, sát sao đến việc học của trẻ trên địa bàn. Phong trào hiếu học được xây dựng thành truyền thống của mỗi gia đình, dòng họ, thôn, bản.

Đầu năm học vừa qua, nhà trường và các đoàn thể xã đã vận động thành công một gia đình cho con tiếp tục đến lớp. Đó là gia đình ông Vàng A Lồng ở điểm Thẩm Táng, bản Xá Tự (xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo) có 6 người con, 3 người trong số đó ở độ tuổi đi học. Với lý do đường xa, không có người đưa đến trường nên gia đình cho con ở nhà.

Ông Dụa kể: “Khu vực mà hộ dân này ở biệt lập trong rừng sâu, không có sóng điện thoại nên không thể liên lạc. Chúng tôi phải đi xe máy hơn chục cây số rồi đi bộ xuyên rừng thêm 8 cây số mới tới nơi. Cả ngày trời đi, rồi thuyết phục, chờ đợi… Phải nói đã hết sức kiên trì”.

Mặc dù dân cư chỉ vỏn vẹn hơn 300 hộ với trên 1.000 nhân khẩu, tuy nhiên, theo ông Dụa, bà con sống rải rác ở khắp các triền đồi, sườn núi. Bản xa nhất cách trung tâm vài chục cây số, có nhóm dân cư thậm chí cách điểm bản gần chục cây số đường rừng. Vì thế, việc đi lại hết sức khó khăn, mất nhiều thời gian. “Thế nhưng chỉ cần thấy bọn trẻ được đi học đều, là chúng tôi yên tâm”, ông Dụa chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy cô không đơn độc trên đỉnh Pơ Mu