Nhìn nhận về một số áp lực mà giáo viên phải đối diện, thầy Thiện cho rằng, áp lực là điều tất yếu và cần thiết trong cuộc sống. Có áp lực thì mới biết vươn lên để vượt qua nghịch cảnh, sống có kỉ luật, nghiêm túc hơn trong công việc. Tuy nhiên, mỗi người cần biết cách cân bằng để áp lực công việc không bào mòn tình yêu với nghề. Để giải tỏa áp lực, thầy thường tìm đến các kết nối trong công việc và cuộc sống.
“Làm nghề giáo, tôi thường xuyên được gặp gỡ, tiếp xúc với thế hệ trẻ. Chính học trò đã cho tôi những góc nhìn phong phú, đa chiều và mang đến nguồn năng lượng tích cực, tươi mới. Ngoài ra, tôi tham gia các hoạt động tập thể để làm sâu sắc thêm mối dây liên kết trong công việc và tạo ra một môi trường chuyên nghiệp, kỉ luật nhưng không kém phần thân thiết, gắn bó. Bên cạnh đó, gia đình cũng là nguồn động lực tinh thần to lớn giúp tôi giải tỏa mọi áp lực trong cuộc sống” - thầy Thiện bộc bạch.
Theo thầy Thiện, mỗi nhà giáo có những mục tiêu khác nhau nhưng căn cốt và lâu dài nhất vẫn là làm hết sức mình để truyền tải kiến thức cho học trò, dạy dỗ các em nên người. “Tôi cho rằng, tận tâm hay tận hiến là thái độ cũng như trách nhiệm cần có của mỗi người đối với công việc của mình, nhất là với nhà giáo” - thầy Thiện nhấn mạnh.
Tuy nhiên, mỗi người có hoàn cảnh, khó khăn khác nhau khiến bản thân chưa thể phát huy toàn bộ năng lực, sở trường, phẩm chất. Vì thế, thầy Thiện cho rằng, khi xây dựng chính sách nên tập trung vào tháo gỡ khúc mắc cho giáo viên, giúp họ phát huy sự tận hiến. Để tăng động lực cống hiến cho nhà giáo, nên xem xét điều chỉnh mức lương, tăng lương trước thời hạn hợp lí, hiệu quả.
Tán thành với việc cần xây dựng Luật Nhà giáo; thầy Thiện phân tích, số lượng nhà giáo chiếm tỉ lệ lớn trong công chức, viên chức trên cả nước. Công việc của giáo viên có tính đặc thù, vì vậy rất cần luật hóa các vấn đề có liên quan đến nhà giáo để họ yên tâm công tác. Ngoài ra giáo viên cần được tôn trọng và đãi ngộ hợp lý. “Chúng tôi cũng cần được bồi dưỡng và phát triển kỹ năng, năng lực nghề nghiệp” - thầy Thiện bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Uyên - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang ghi nhận, thầy Hoàng Châu Thiện không chỉ đam mê nghiên cứu khoa học, mà còn là nhà giáo tích cực tham gia các hoạt động của trường, của ngành Giáo dục và các phong trào do Công đoàn các cấp phát động.
Bà Uyên cho hay, thầy Thiện được nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Năm 2023, thầy vinh dự được tặng danh hiệu “Trí thức khoa học trẻ tiêu biểu” của tỉnh. “Thầy Thiện là tấm gương tiêu biểu trong công tác ôn luyện, bồi dưỡng học sinh giỏi và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học” - bà Uyên chia sẻ.
Thầy Hoàng Châu Thiện đề xuất, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “trồng người”. Ngoài ra, có thể thay đổi các quy định, điều lệ một cách linh hoạt, mềm mại nhằm tạo điều kiện cho giáo viên phát huy năng lực, sở trường để tận tâm, tận hiến với nghề.