Hun đúc tình yêu lao động cho trẻ
Thực tế cho thấy, lao động luôn là cách tốt nhất để rèn đạo đức cho một con người. Bởi vậy, cha mẹ hãy cho con tập làm các công việc từ tự chăm sóc bản thân cho đến việc nhà, quản lý, sắp xếp mọi thứ trong gia đình. Phạt khi con có những hành vi thiếu tôn trọng ai đó, đặc biệt là phạt nặng khi con thiếu tôn trọng những người làm công việc tay chân cũng là điều nên làm để con tôn trọng người khác, tôn trọng nghề nghiệp của mọi người.
Đặc biệt, bố mẹ cũng cần cẩn trọng khi đánh giá ai đó. Nếu cha mẹ thiếu tôn trọng công việc của người khác, con sẽ học ngay và điều đó sẽ rất có hại.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hương cho rằng: Những đứa trẻ yêu thích lao động từ nhỏ, cuộc sống sau này sẽ tốt hơn, có thể thành công dễ dàng hơn. Hơn nữa, lao động có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển tâm sinh lý của trẻ. Qua đó, trẻ có thể hình thành thế giới quan, có khả năng tự rút kinh nghiệm, lựa chọn phương pháp làm việc hiệu quả nhất, trẻ biết cân đối, sắp xếp thời gian dẫn đến yêu quý thời gian.
“Với những việc làm cụ thể, cha mẹ có thể giúp con trở thành một đứa trẻ yêu thích lao động. Cha mẹ hãy làm gương, làm mẫu cho con, có hướng dẫn bằng hình ảnh minh họa để con luôn hứng thú. Từ 2 – 3 tuổi là giai đoạn tuyệt vời để bạn dạy con yêu lao động và tôn trọng sức lao động.
Cha mẹ hướng dẫn và tạo cho con thói quen tự giác lao động (việc nhỏ) như tự cất đồ chơi, gấp quần áo, để đồ dùng đúng nơi quy định... Qua một vài việc nhỏ, cha mẹ cho con biết có thể tự làm rất tốt việc đó và không phải chỉ ngồi đó và nhận kết quả của người khác làm”, chuyên gia Minh Hương nói.
Còn anh Phúc Lai cho rằng, có muôn vàn lý do để cha mẹ tước đi của trẻ rất nhiều việc mà lẽ ra đó phải là công việc và trách nhiệm của con. Ở thời điểm cần dạy trẻ tính tự lập và tình yêu lao động để làm nền móng vững chắc cho giai đoạn thiếu niên và thanh niên thì cha mẹ lại không cho trẻ làm, rồi đột nhiên khi trẻ lớn lên vẫn quen với thói quen được cung phụng thì cha mẹ lại bắt đầu ca thán và la mắng con rằng sao lại ỷ lại và dựa dẫm thế.
“Cha mẹ cần dạy con biết vượt qua chông gai, dạy cho con muốn tìm ra được giải pháp phải chia sẻ với người khác. Cha mẹ cũng đừng áp đặt cho các con, hãy là người hướng dẫn và đồng hành hoặc đưa ra hướng giải quyết để con tự tìm phương án cho vấn đề của mình”, anh Phúc Lai cho biết.
Người bố của cậu con trai 12 tuổi và con gái 8 tuổi chia sẻ, vợ chồng anh biết, khóc cũng là cách để đứa trẻ giải tỏa stress nên anh thường không dỗ dành nhiều. Anh cho con trai lựa chọn những môn học yêu thích, cho con được bày tỏ quan điểm của mình và được dạy yêu lao động.
“Con trai tôi đã biết sửa đồ gia dụng với bố, còn con gái có sở thích khâu chăn hay làm đồ handmade với mẹ. Số tiền bán đồ handmade do cháu làm ra đều được trích gửi từ thiện”, anh Phúc Lai nói.