Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Duy Hiệu. |
Năm 2023, ĐH Xây dựng Hà Nội sẽ sử dụng các phương thức tuyển sinh bao gồm xét tuyển, xét tuyển kết hợp, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, ở phương thức xét tuyển, nhà trường sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT với tất cả ngành, chuyên ngành; và xét kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức (trừ các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật).
Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, ĐH Xây dựng Hà Nội tuyển sinh theo 2 nhóm đối tượng.
Đối tượng 1 là các thí sinh đáp ứng đủ điều kiện có chứng chỉ quốc tế tiếng Anh (tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có kết quả trong kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600, hoặc ACT đạt từ 22/36 (các chứng chỉ còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển); và có tổng điểm 2 môn thi (Toán và một môn khác không phải Ngoại ngữ) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên. Với các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật, tổng điểm môn Toán của thí sinh và điểm môn Vẽ Mỹ thuật phải đạt từ 12 điểm trở lên.
Đối tượng xét tuyển kết hợp thứ 2 của trường là thí sinh đoạt các giải nhất, nhì, ba các môn thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có tổng điểm 2 môn thi (không tính môn đoạt giải) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên. Với các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật, tổng điểm môn Vẽ Mỹ thuật và 1 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của thí sinh (không tính môn đoạt giải) theo tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 12 điểm trở lên.
ĐH Xây dựng Hà Nội lưu ý thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở các môn Toán (Tin học), Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh (Tiếng Pháp), Địa lý sẽ được xét tuyển theo ngành/chuyên ngành phù hợp với môn đoạt giải. Thời gian đoạt giải của thí sinh không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển.
Trong phương án tuyển sinh đại học chính quy dự kiến năm 2023, ĐH Đông Á thông báo sẽ tuyển sinh cho 35 ngành đào tạo dựa trên 4 phương thức là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), xét học bạ theo tổng điểm trung bình năm lớp 12, và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM
Ở phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, nhà trường quy định thí sinh phải có tổng điểm trung bình 3 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên).
Đối với phương thức xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình lớp 12, thí sinh phải có tổng điểm trong bình năm lớp 12 đạt từ 6.0 trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên). Riêng ngành Sư phạm và Khoa học sức khỏe, điều kiện xét tuyển học bạ của trường sẽ áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thời gian ĐH Đông Á dự kiến tiếp nhận hồ sơ xét tuyển học bạ của thí sinh theo từng đợt cụ thể như sau:
Năm 2023, ĐH Quốc Tế Hồng Bàng sẽ tuyển sinh 4.800 chỉ tiêu cho 35 ngành học. Nhà trường tuyển sinh bằng 5 phương thức là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét kết quả kỳ thi SAT, xét tuyển thẳng, và xét kết quả học bạ THPT.
Từ ngày 6/1, ĐH Quốc tế Hồng Bàng sẽ nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh theo hình thức xét học bạ tổng điểm 5 học kỳ (gồm học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 10; học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Ở ĐH Hoa Sen, hội đồng tuyển sinh trường thông báo dự kiến xét tuyển 4.000 chỉ tiêu cho 28 ngành học theo 4 phương thức là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (1.600 chỉ tiêu), xét kết quả học tập THPT (1.600 chỉ tiêu), xét tuyển thẳng (400 chỉ tiêu), xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức (400 chỉ tiêu).
Trong trường hợp một phương thức còn thiếu chỉ tiêu do thí sinh nộp hồ sơ chưa đủ, ĐH Hoa Sen sẽ điều chỉnh chỉ tiêu còn thiếu sang phương thức còn lại (đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi, sự công bằng của thí sinh trong đợt xét tuyển).
Tại ĐH Quốc tế Miền Đông, năm 2023, các phương thức tuyển sinh được nhà trường sử dụng là xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập trong học bạ bậc THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển thẳng.
Chỉ tiêu dự kiến của các ngành đào tạo ở ĐH Quốc tế Miền Đông như sau:
Trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM thông báo thực hiện 4 phương thức tuyển sinh với các chỉ tiêu cụ thể gồm xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (25%), xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (30%), xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (40%), xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (5%).
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường là 6.610 sinh cho 34 ngành đào tạo.
ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM cũng đã công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2023 với một số thông tin cơ bản. Nhà trường thông báo tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2023 là 855 sinh viên.
Trong năm nay, ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM sẽ chính thức tuyển sinh ngành Truyền thông đa phương tiện, nâng tổng số ngành đào tạo lên 7 ngành. Nhà trường cũng đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ mở ngành mới là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Các phương thức tuyển sinh nhà trường sẽ sử dụng là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (30% tổng chỉ tiêu), xét kết quả học tập THPT từ 6.0 điểm trở lên cho tất cả ngành (50% tổng chỉ tiêu), xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 600 điểm trở lên (9% tổng chỉ tiêu), xét tuyển thẳng theo quy định của trường (10% tổng chỉ tiêu), và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT (1% tổng chỉ tiêu).
Ở ĐH Yersin Đà Lạt, các phương thức tuyển sinh dự kiến của trường là xét tuyển học bạ THPT, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, và xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.