Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp lớn trên thế giới và đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) phát triển như vũ bão. Trong đó, công nghệ vi mạch bán dẫn là phần cốt lõi, xương sống của ngành công nghiệp này.
Công nghệ vi mạch bán dẫn sẽ tập trung vào thiết kế, sản xuất và kiểm tra các vi mạch tích hợp (CHIP) nhằm giảm kích thước, tăng tính ổn định và hiệu suất cho các thiết bị điện tử từ phức tạp, như siêu máy tính đến hàng điện tử dân dụng đơn giản trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa...
Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, Việt Nam sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu và là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn và nền kinh tế chính trị ổn định trong khu vực. Những lợi thế này đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam ngày càng thu hút nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc…, cũng như tạo nên làn sóng dịch chuyển đầu tư và hợp tác đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam từ một số tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Synopsys…
Xác định vi mạch là một lĩnh vực quan trọng, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam, đặc biệt là xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực.
Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trên nền tảng về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong việc đào tạo chương trình ngành gần là “Vật lý kỹ thuật-điện tử”, từ năm 2024, USTH sẽ bắt đầu triển khai đào tạo ngành công nghệ vi mạch bán dẫn.
Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
Đến thời điểm hiện tại, USTH đào tạo 17 ngành về khoa học công nghệ với 20 chương trình đào tạo trình độ đại học: 17 chương trình cấp bằng USTH và 3 chương trình cấp song bằng hợp tác với trường đại học Pháp. Các chương trình đào tạo của trường được giảng dạy bằng tiếng Anh, riêng ngành dược học giảng dạy 70% bằng tiếng Anh và 30% bằng tiếng Việt.
Ngoài trường Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một số trường đại học đã khởi động hoặc dự kiến mở đào tạo ngành vi mạch bán dẫn nhằm giảm sự thiếu hụt nhân lực vi mạch tại Việt Nam như Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học FPT...
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 nhân lực và 10 năm tới khoảng 50.000 nhân lực từ trình độ đại học trở lên.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, vi mạch.