Một câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội mới đây đã thu hút nhiều sự chú ý của các bậc phụ huynh. Theo đó, một bà mẹ có con hiện đang học lớp 1 đã nhờ cộng đồng mạng tư vấn giúp cho trường hợp mà mình đang gặp phải. Chị cho biết: "Con em bị bạo lực học đường, con học rất giỏi luôn đứng đầu lớp nhưng tính nhút nhát và hơi yếu hay bị các bạn bắt nạt quá nhiều lần. Giờ em phải làm sao?".
Đi kèm với đó, chị chia sẻ hình ảnh những đoạn tin nhắn trong nhóm chat chung giữa giáo viên và phụ huynh. Bà mẹ này nhắn tin cho biết, con mình ở lớp bị một số bạn học tụt quần, nghịch vùng kín, cùng nhau hùa trêu,...
"Mình rất bức xúc và bất lực trước những trò đùa ác ý của các con, điều mình lo sợ hơn là con sợ đi học. Đây không phải lần đầu con bị bắt nạt, mà số lần bị bắt nạt nhiều vô kể", bà mẹ này nhắn tin trong nhóm lớp.
Bà mẹ bức xúc nhờ giáo viên và các phụ huynh khác can thiệp.
Chị bức xúc và bất lực vì con bị bắt nạt
Đáp lại lời chị, một phụ huynh trong lớp cũng yêu cầu những phụ huynh khác phải bảo ban con mình, nếu không rất dễ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng. Bên cạnh đó, phụ huynh này cũng xác nhận chuyện được nghe kể về vụ việc con của bà mẹ trên bị các bạn xúm vào nghịch vùng kín.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ đã nhận về rất nhiều bình luận. Hầu hết các bậc phụ huynh khi đọc xong đều tỏ thái độ bức xúc, phẫn nộ khi cháu bé bị các bạn bắt nạt. Nhiều bình luận đề nghị các bậc cha mẹ khác cần phải giáo dục con một cách nghiêm túc. Có những hành vi của trẻ nhỏ nếu không được uốn nắn kỹ thì sẽ trở thành hành vi xấu trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm chất, đạo đức sau này. "Không thể coi hành động sai của trè là 'trò đùa con nít' mà thờ ơ dạy dỗ", một cư dân mạng bình luận.
Bên cạnh đó, nhiều cư dân mạng cũng khuyên người mẹ cần có thái độ cứng rắn khi xử lý vụ việc, đồng thời có biện pháp an ủi, động viên con, tránh để con bị ảnh hưởng tâm lý.
Nói về vấn đề bạo lực học đường, giáo sư tâm lý nổi tiếng của Trung Quốc - bà Lý Mai Cẩn cho rằng: Những đứa trẻ rụt rè và yếu đuối rất dễ bị bạn cùng lớp bắt nạt. Hầu hết những kẻ bắt nạt muốn cảm thấy mình mạnh mẽ nên thường chọn những đứa trẻ yếu đuối, nhút nhát hơn vì dễ thao túng. Khi nạn nhân càng im lặng, càng không dám phản kháng thì những đứa trẻ nghịch ngợm càng được đà tiếp diễn hành động của mình.
Như trong trường hợp trên, bà mẹ cũng chia sẻ, con chị tuy học giỏi nhưng tính lại nhút nhát và hơi yếu. Vậy trong trường hợp này, cha mẹ phải làm sao?
Theo giáo sư Lý Mai Cẩn, để con không trở thành đối tượng bị bắt nạt, cha mẹ cần giúp con khoẻ mạnh cả về thể chất và tinh thần. Hãy cho con tham gia các hoạt động thể chất như chạy bộ, võ thuật,... để rèn luyện thể lực. Khi con có sức khoẻ, con cũng tự tin, mạnh dạn hơn. Tăng cường thể chất cũng là cách để tăng cường sức mạnh nội lực. Kẻ bắt nạt thường nhắm đến những người yếu ớt, tự ti chứ chẳng bao giờ gây sự với những người khoẻ mạnh, tự tin cả.
Bên cạnh đó, cha mẹ dặn con kết bạn nhiều hơn để có người hỗ trợ, ủng hộ trong trường hợp bất lợi. Ngoài ra, con cần học cách phản kháng, nói "Không", kiên quyết chống trả, thể hiện rõ lập trường khi bị bắt nạt. Thái độ cam chịu sẽ càng khiến kẻ bắt nạt nhắm đến con nhiều hơn.