Thêm yêu lao động nhờ vườn thực hành

Phương Hồ | 01/05/2022, 14:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mô hình vườn rau, vườn thực hành được nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh xây dựng ngay trong khuôn viên nhà trường.

Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu về các vật dụng trong sản xuất lao động.Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu về các vật dụng trong sản xuất lao động.

Nơi đây không chỉ tạo cảnh quan vui chơi, là giáo cụ sinh động, mà còn giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng sống.

Những “giáo cụ” đặc biệt

Những năm gần đây, mô hình “Vườn rau của bé” được triển khai hiệu quả tại nhiều trường mầm non trên địa bàn Hà Tĩnh. Với mô hình này, các trường học đã cung cấp nguồn rau sạch cho bữa ăn bán trú và lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ biết quý trọng thành quả lao động.

Cô Trần Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) - cho biết: Các cô giáo, phụ huynh đã dành nhiều thời gian, tâm sức để xây dựng nên vườn rau sạch của trường. Mùa nào thức đấy, các loại rau thường được trồng như: Rau mồng tơi, dền đỏ, rau muống, cải thìa, đậu cô ve… Qua bàn tay chăm sóc của giáo viên, nhân viên nhà trường, các luống rau đều phát triển tươi tốt.

Để có vườn rau sạch bổ sung dinh dưỡng và phục vụ hoạt động giáo dục trải nghiệm của trẻ, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều tranh thủ sau những giờ đứng lớp và cuối tuần để làm đất, gieo trồng, chăm sóc. Nhờ đó, khu vườn trở thành nơi trẻ được thỏa sức trải nghiệm với các hoạt động như tưới cây, nhận biết và thu hoạch các loại rau, củ, quả…

“Mô hình “Vườn rau của bé” là một trong những hoạt động được nhà trường rất chú trọng, gắn với việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Qua đó, tạo môi trường cho trẻ học tập trải nghiệm, giúp trẻ khám phá, phát triển tri thức về thế giới xung quanh, góp phần giáo dục kỹ năng sống”, cô Hòa cho hay.

Học sinh Trường Mầm non Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà) trải nghiệm hái rau củ tại vườn trường. Ảnh: TG

Với lợi thế có khuôn viên trường rộng rãi, Trường Tiểu học Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành khoảng 500m2 đất để xây dựng vườn cây thực địa. Thay vì chọn rau và hoa như nhiều trường khác, Trường Tiểu học Cẩm Bình lại trồng hơn gần 50 cây ăn quả với 10 chủng loại khác nhau. Qua gần 5 năm ươm trồng, các loại cây trong vườn đã cho thu hoạch. Đây cũng là “giáo cụ” cho các tiết Khoa học Tự nhiên của nhà trường.

Thầy Nguyễn Trung Yên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Bình - chia sẻ: “Được sự ủng hộ kinh phí của các bậc phụ huynh, nhiều năm trước cán bộ và giáo viên đã xây dựng vườn thực địa cho học sinh. Các giống cây trồng tại đây là nhãn, xoài, ổi, táo… Vườn cây này phục vụ cho quá trình học tập của 660 học sinh trong một số tiết học”.

Theo đó, các cây được trồng theo từng hàng, lối, bảo đảm khoảng cách để thuận lợi cho phát triển và dạy học. Nhà trường cũng lựa chọn các loại cây dễ sinh trưởng, phù hợp với chương trình sách giáo khoa. Cụ thể, học sinh lớp 3, khi học về cây trồng với các bài học về thân, rễ, lá…, giáo viên có thể dẫn các em xuống vườn để trực tiếp tìm hiểu. Không khí những giờ học như vậy rất vui tươi, phấn khởi.

Với những tiết học thực tế tại vườn thực hành, cùng kiến thức trong sách vở đã được học trên lớp, học sinh sẽ được thầy cô hướng dẫn cặn kẽ thêm thông qua nhận biết loài cây. Từ đây, các em được tìm hiểu đặc điểm, cấu tạo, màu sắc của từng loại và quan sát trực tiếp môi trường sống của chúng chứ không còn bó hẹp qua tranh ảnh minh họa.

Em Biện Đăng Khôi, lớp 5A, Trường Tiểu học Cẩm Bình, hào hứng: “Từ những kiến thức trên sách giáo khoa, chúng em một lần nữa được học lại qua lần trải nghiệm tại vườn thực hành. Chúng em được tận tay thụ phấn cho hoa và theo dõi quá trình lớn lên của quả… Không chỉ khắc sâu kiến thức môn học, qua vườn thực hành em đã có bài viết thực tế và được cô giáo khen khi viết văn tả về loại cây yêu thích”.

Một tiết Khoa học Tự nhiên của cô trò lớp 5A (Trường Tiểu học Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Ảnh: TG

Trưởng thành từ việc làm nhỏ

Những năm qua, Trường THCS Thạch Linh là một trong những đơn vị có khuôn viên trường chỉn chu, thân thiện trong ngành Giáo dục thành phố Hà Tĩnh. Trong khuôn viên trường có nhiều bồn hoa với đa dạng chủng loại và hệ thống cây xanh được bố trí xung quanh trường.

Ngoài ra, nhà trường đã tu sửa hệ thống thoát nước quanh trường, khu vực nhà xe dành cho học sinh, trang trí đồng bộ không gian các lớp học. Hệ thống nhà vệ sinh được xây dựng đạt tiêu chuẩn, thân thiện và luôn sạch sẽ, học sinh được tuyên truyền hướng dẫn nên luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Để gìn giữ khuôn viên luôn sạch đẹp, hằng tuần, liên đội nhà trường còn xây dựng kế hoạch giáo dục kỹ năng sống, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đặc biệt, liên đội còn xây dựng ngôi nhà kế hoạch nhỏ, hướng dẫn các em thu gom rác cũng như giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời gây quỹ hoạt động Đội...

“Những phong trào trong nhà trường có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục học sinh ý thức, thói quen giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường và tạo sự lan tỏa đến gia đình, cộng đồng các em đang sống, đồng thời góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh cho thế hệ trẻ ngay từ lứa tuổi học đường. Đây cũng là hoạt động góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, thầy Lê Văn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Linh chia sẻ.

Còn tại Trường Tiểu học Cẩm Bình, thông qua vườn cây thực hành nhà trường cũng rèn luyện niềm yêu thích và quý trọng sức lao động cho mỗi học sinh. Theo đó, nhà trường đã phân công cho từng khối có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây trong vườn. Các em còn được học cách tỉa cành lá, vun xới, tưới nước, bón phân như thế nào cho phù hợp và đúng cách… Cũng ngay cạnh khu vườn thực hành, nhà trường còn có “bảo tàng” nông cụ. Thầy cô sẽ giới thiệu cho học sinh các vật dụng lao động của người dân, nhất là những dụng cụ thô sơ của người nông dân trước kia.

“Trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên tiếp tục phát triển vườn thực hành tại các trường học. Đây là mô hình thiết thực tạo môi trường cho học sinh học tập trải nghiệm. Chính các kỹ năng này đã rèn luyện cho học sinh biết yêu quý, trân trọng những thành quả mình làm ra, có thái độ đối xử thân thiện với môi trường hơn”. - Bà Nguyễn Thị Thủy Nguyệt - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm yêu lao động nhờ vườn thực hành