Giáo dục

Thí điểm học bạ số ở trung học: Thách thức bảo đảm an toàn dữ liệu

15/02/2025 06:46

Một trong những nhiệm vụ trong học kỳ II năm học 2024 - 2025 được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh là thực hiện thí điểm học bạ số ở các trường trung học.

Thực tiễn triển khai nội dung này tại cơ sở giáo dục đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là tính đồng bộ trong toàn hệ thống.

Triển khai theo lộ trình

Học bạ số trên phần mềm Smas được Trường THCS - THPT Trưng Vương (Vĩnh Long) triển khai từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 6 và lớp 10. Năm học 2024 - 2025, theo lộ trình nhà trường tiếp tục triển khai đối với lớp 6, 7 và lớp 10, 11.

Theo cô Lê Thị Trang - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, học bạ số có nhiều ưu điểm nhưng khi triển khai còn một số khó khăn, khúc mắc; nhất là trường hợp chuyển trường khi nơi chuyển đến không sử dụng cùng hệ thống quản lý. Có nơi, ngoài tiếp nhận học sinh trên hệ thống vẫn yêu cầu phụ huynh cung cấp học bạ giấy có dấu đỏ nhà trường. Ngoài ra, việc sử dụng học bạ điện tử chưa thống nhất giữa các tỉnh thành, cấp học.

Tại TP Huế, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, năm học 2024 - 2025, TP Huế thực hiện thí điểm học bạ số cho khối lớp 6 THCS và khối lớp 10 THPT đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Việc cung cấp chữ ký số cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sẽ hoàn thành trước 20/2/2025.

Sở GD&ĐT yêu cầu phòng GD&ĐT chủ động tập huấn đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường có cấp THCS được tham gia và thực hành ký số. Đối với các trường trực thuộc sở, trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp, sở GD&ĐT sẽ triển khai tập huấn. Việc tạo lập học bạ số của học sinh thuộc đối tượng thí điểm năm học 2024 - 2025 và chuyển về cơ sở dữ liệu học bạ số của Bộ GD&ĐT được sở GD&ĐT yêu cầu hoàn thành trước 20/8/2025.

“Tất cả học bạ số phát hành phải có đầy đủ chữ ký số của giáo viên môn học/hoạt động giáo dục, giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng để bảo đảm tính pháp lý khi sử dụng. Trong thời gian thực hiện, các cơ sở giáo dục sử dụng đồng thời cả học bạ giấy được in trực tiếp từ phần mềm và học bạ số để bảo đảm nhu cầu sử dụng của học sinh. Kinh phí triển khai học bạ số lấy từ nguồn ngân sách của đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Tuyệt đối không thu tiền của học sinh và gia đình học sinh”, ông Nguyễn Tân cho hay.

Từ thực tiễn, thầy Lê Văn Lục - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đặc biệt nhấn mạnh những lợi ích của học bạ số, như: Sự tiện lợi, nhanh chóng, minh bạch, chính xác, thuận tiện trong quản lý và tra cứu, hỗ trợ tích hợp với các hệ thống khác.

Học bạ số giúp tiết kiệm thời gian trong việc nhập liệu, tra cứu thông tin, tổng hợp báo cáo. Giáo viên có thể cập nhật điểm số và nhận xét tức thời, giảm thiểu tình trạng thất lạc hoặc sai sót thông tin. Dữ liệu được lưu trữ an toàn trên hệ thống, tránh được những vấn đề như chỉnh sửa sai lệch, hoặc mất mát như học bạ truyền thống; tăng tính minh bạch trong đánh giá kết quả học tập. Cha mẹ học sinh, học sinh có thể dễ dàng tra cứu kết quả, theo dõi tiến trình học tập thường xuyên.

Ngoài ra, cơ quan quản lý giáo dục dễ dàng tổng hợp, phân tích dữ liệu để đưa ra chính sách phù hợp. Học bạ số có thể tích hợp với các hệ thống quản lý giáo dục khác như sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý trường học, giúp tạo một hệ sinh thái giáo dục số đồng bộ, hiệu quả.

Tuy nhiên, triển khai học bạ số yêu cầu hệ thống hạ tầng công nghệ đủ mạnh, đảm bảo kết nối ổn định và an toàn dữ liệu, đòi hỏi sự đầu tư. Học bạ số chứa thông tin quan trọng về học sinh, do đó, việc đảm bảo an toàn dữ liệu, ngăn chặn truy cập trái phép và bảo vệ quyền riêng tư là một thách thức lớn.

ha-tang-du-manh-an-toan-du-lieu-2.jpg
Cô Lê Hoàng Anh Đào - Trường THCS - THPT Trưng Vương (Vĩnh Long) tra cứu học bạ số của học sinh trên hệ thống Smas. Ảnh: NTCC

Quan tâm tính đồng bộ, đầu tư nguồn lực

Để triển khai hiệu quả học bạ số, theo thầy Lê Văn Lục, cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo giáo viên và nhân viên quản lý, xây dựng cơ chế bảo mật hiệu quả. Theo đó, nhà trường cần nâng cấp hệ thống máy chủ, đường truyền và phần mềm để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, bảo mật cao.

Cần tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng học bạ số để mọi giáo viên, cán bộ quản lý có thể vận hành hệ thống một cách trơn tru. Triển khai các biện pháp bảo mật như xác thực hai lớp, mã hóa dữ liệu, phân quyền truy cập để bảo vệ thông tin học sinh. Nhà trường cũng cần tuyên truyền về lợi ích của học bạ số, hướng dẫn cha mẹ, học sinh cách sử dụng hệ thống để có thể chủ động theo dõi kết quả học tập.

Từ thực tiễn triển khai tại Trường THCS - THPT Trưng Vương, cô Lê Thị Trang mong sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất từ Bộ GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục để việc sử dụng học bạ số được đồng bộ trong toàn hệ thống.

Đồng thời, kiến nghị các nhà mạng cập nhật tính năng chuyển học bạ số giữa các trường, cấp học và có tính liên thông giữa các nhà mạng. Việc này nhằm thuận tiện cho học sinh khi chuyển trường, sử dụng học bạ số để xét tuyển vào đại học, cao đẳng mà không cần sử dụng đến học bạ giấy hay xác nhận của nhà trường về kết quả học tập.

Liên quan đến nguồn lực, hạ tầng, thiết bị, nhân lực, chi phí cho đầu tư và vận hành hệ thống học bạ số, ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre đề nghị Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) xem xét bổ sung quy định trong Bản đặc tả nhằm đảm bảo an toàn thông tin trong tạo lập, phát hành học bạ số khi triển khai đại trà cho các cấp học.

Việc ký số ở THCS, THPT phức tạp hơn vì có nhiều giáo viên thực hiện (tiểu học chỉ có giáo viên chủ nhiệm ký số); học bạ cấp THCS, THPT phục vụ vào nhiều mục đích quan trọng khác nhau (xác thực trình độ học vấn, xét tuyển đại học, xem xét tính hợp lệ của văn bằng tốt nghiệp,…).

Do đó, Sở GD&ĐT đề xuất quy định phần mềm quản lý nhà trường phải hỗ trợ hiệu trưởng phân quyền ký số (chỉ được ký vào môn được phân công dạy học; không thể ký thay, ký nhầm, ký khống sai quy định,…).

Đồng thời, hiệu trưởng kiểm tra được quá trình ký số, việc lưu trữ hồ sơ số sau ký số thuộc sở hữu nhà trường quản lý (nhà trường thuê dịch vụ lưu trữ, ràng buộc trách nhiệm nhà cung cấp bằng hợp đồng). Việc có các quy định này sẽ giúp sở duyệt học bạ số an toàn hơn, do số lượng học sinh lớn không thể kiểm tra hết...

Học bạ số là hệ thống lưu trữ và quản lý thông tin học tập của học sinh trên nền tảng điện tử. Thay vì sử dụng học bạ giấy truyền thống, toàn bộ điểm số, nhận xét, thành tích học tập sẽ được cập nhật và lưu trữ trực tuyến, cho phép giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh có thể truy cập dễ dàng. Đây là giải pháp tất yếu trong xu hướng chuyển đổi số của ngành Giáo dục.

Nếu được triển khai đúng cách, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý, đánh giá và hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện. Để thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và cơ quan quản lý giáo dục nhằm tạo nên hệ thống hiệu quả, minh bạch, bền vững. - Thầy Lê Văn Lục

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thi-diem-hoc-ba-so-o-trung-hoc-thach-thuc-bao-dam-an-toan-du-lieu-post719472.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thi-diem-hoc-ba-so-o-trung-hoc-thach-thuc-bao-dam-an-toan-du-lieu-post719472.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí điểm học bạ số ở trung học: Thách thức bảo đảm an toàn dữ liệu