Trong khi đó, NGƯT Phạm Huy Đức (nguyên cán bộ phụ trách công tác thi đua khen thưởng Sở GD&ĐT Nghệ An) cho hay, trong quá trình làm việc nhiều lần đề cập đến vấn đề khen và thưởng đối với bằng khen cấp Bộ. Theo nhà giáo Huy Đức, thời điểm Luật Thi đua khen thưởng chưa có điều khoản cụ thể, việc khen thưởng thực hiện theo Nghị định 91. Khi Luật đã có hiệu lực phải thực thi “cấp nào trao bằng khen, cấp đó khen thưởng”.
Liên quan đến những băn khoăn này, ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, bằng khen của Bộ GD&ĐT được chia thành 2 loại. Thứ nhất, bằng khen chuyên đề - dành cho cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc khi triển khai chuyên đề, đề án của Bộ trong từng giai đoạn nhất định.
Với bằng khen này, Bộ đồng thời chi tiền thưởng, lấy trong nguồn kinh phí của chuyên đề. Loại thứ 2, bằng khen thường xuyên - dành cho cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong từng năm học. Với bằng khen thường xuyên, mức thưởng và tiền thưởng được thực hiện theo Nghị định 91 của Chính phủ.
Cụ thể, Điều 67 về Quản lý quỹ thi đua, khen thưởng quy định: “Quỹ thi đua, khen thưởng của cấp nào do cơ quan thi đua, khen thưởng phối hợp với cơ quan tài chính cấp đó quản lý. Đối với cấp tỉnh, nguồn kinh phí chi cho công tác thi đua, khen thưởng do Ban Thi đua - Khen thưởng của tỉnh phối hợp với cơ quan tài chính cấp tỉnh quản lý và sử dụng theo tỷ lệ quy định trên cơ sở dự toán; việc quyết toán căn cứ số chi thực tế theo đúng chế độ, chính sách quy định.
Thủ trưởng cơ quan các cấp chịu trách nhiệm chi tiền thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc biên chế, quỹ lương do cấp mình quản lý, hạch toán chi theo quy định…”.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn lý giải, theo quy định trên, bằng khen do UBND tỉnh cấp thì tiền thường trích từ Ban Thi đua - Khen thưởng của tỉnh. Còn Bộ GD&ĐT, về mặt quản lý Nhà nước không có quỹ thi đua khen thưởng, nên khi ra quyết định tặng bằng khen ghi rõ “kèm theo bằng khen, tập thể và cá nhân được thưởng theo mức thưởng quy định tại Nghị định 91 ngày 31/7/2017 của Chính phủ, trích từ quỹ thi đua, khen thưởng của đơn vị trình”. Tức cơ quan chi tiền thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc biên chế, quỹ lương mà mình quản lý.
Theo thầy Chu Viết Tấn - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT là động lực để giáo viên phấn đấu trong nghề. Ảnh: NVCC |
Tại Nghệ An, hằng năm sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn xét thi đua khen thưởng hoặc quán triệt, phổ biến tại các hội nghị tập huấn, triển khai nhiệm vụ năm học.
Quan điểm đưa ra là khen đúng đối tượng, tiêu chuẩn, minh bạch, công khai. Vì số lượng bằng khen không nhiều, tùy theo nguồn kinh phí để các đơn vị trình chi trả nên Sở GD&ĐT Nghệ An hướng dẫn mỗi phòng GD&ĐT không quá 5 người, còn các trường THPT, trung tâm GDNN - GDTX chỉ có 1 - 2 cá nhân nhận bằng khen mỗi năm.
Văn bản hướng dẫn xét thi đua, khen thưởng năm học 2022 - 2023 của Sở GD&ĐT Nghệ An cũng nêu rõ “Tiền thưởng cho tập thể, cá nhân được tặng giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT và bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được thực hiện theo Điều 73 Nghị định 91/2017/NĐ-CP, nguồn kinh phí lấy từ quỹ thi đua khen thưởng của đơn vị trình”.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An, việc giáo viên hoặc một số đơn vị, trường học băn khoăn “có bằng khen mà chưa thấy thưởng” là điều bình thường, có thể thông cảm. Tuy nhiên, nói “khen mà không thưởng” là không đúng, cần nắm đầy đủ các quy định, văn bản để hiểu rõ, phân biệt danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
Trên thực tế, bằng khen của Bộ GD&ĐT là vinh dự đối với cá nhân, tập thể ngành Giáo dục. Những năm qua, Bộ GD&ĐT đã quan tâm, ghi nhận nỗ lực, cống hiến của ngành Giáo dục cũng như cán bộ, nhà giáo tỉnh Nghệ An. Qua đó xét công nhận và trao bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc so với các tỉnh, thành khác. Bằng khen của Bộ đã động viên, tạo thuận lợi cho giáo viên trong thực hiện các phong trào thi đua, cũng như cơ sở để xét các danh hiệu cao hơn như: Nâng lương trước thời hạn, thăng hạng giáo viên, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú…
Ngành Giáo dục Nghệ An chia sẻ và đồng tình với cách xét thi đua của Bộ GD&ĐT. Đồng thời tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, trong các hội nghị tập huấn thi đua sẽ trao đổi, phổ biến rõ, quán triệt để các nhà trường, phòng GD&ĐT nắm được chủ trương này.
Từ đó phổ biến đến từng giáo viên hiểu rõ danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, bằng khen chuyên đề hay thường xuyên của Bộ GD&ĐT, giấy khen của sở GD&ĐT. Các địa phương, nhà trường cần nắm rõ quy định, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để kịp thời khen thưởng cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc cũng như giấy khen, bằng khen của ngành.
Luật Thi đua, khen thưởng 2022 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 có quy định mới về quỹ thi đua khen thưởng. Theo đó, tại mục 3, Điều 11 về Quỹ thi đua khen thưởng nêu: “Bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị lập quỹ thi đua khen thưởng để chi tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, chế độ khen thưởng theo đúng quy định pháp luật”. Như vậy, khi luật mới có hiệu lực, các bộ phải thành lập quỹ thi đua khen thưởng để thực hiện “cấp nào ký quyết định khen, cấp đó chi tiền thưởng”. Tuy nhiên, nếu quỹ có hạn, việc xét, trao bằng khen sẽ siết chặt hơn với các yêu cầu, quy định khắt khe, cao hơn chứ không thể khen thưởng rộng rãi như trước.