Thí sinh '1 vai 2 gánh' ôn thi, làm sao gỡ áp lực học tập?

Hiếu Nguyễn | 25/02/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời điểm này, nhiều học sinh vừa ôn thi tốt nghiệp THPT; vừa đầu tư ôn luyện chuẩn bị cho các kỳ thi riêng của trường đại học...

Đối diện với áp lực không nhỏ, thí sinh không chỉ cần cách học, ôn tập phù hợp, mà cả sự tỉnh táo trong lựa chọn, quyết định.

“1 vai 2 gánh”

“Em cần kết quả chứng chỉ IELTS và kết quả thi tốt nghiệp THPT là chính; đồng thời cũng chuẩn bị thử sức với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội vào tháng 4, 5. Trong thời gian ôn thi tốt nghiệp gấp rút, nhà trường tổ chức các kỳ thi thử để học sinh làm quen với định dạng đề và cả áp lực tâm lý phòng thi. Em đang rất tập trung ôn luyện và cảm thấy khá căng thẳng. Rất may, quá trình này, thầy cô luôn hướng dẫn, cung cấp đề thi những năm trước, hỗ trợ học và ôn tập tốt”, Đặng Hải Đăng chia sẻ.

Cùng với tập trung học, ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Đặng Hải Đăng, lớp 12A1, Trường THPT Công nghiệp (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) còn căng mình chuẩn bị cho ước mơ ĐH ngành Khoa học máy tính, Kế toán, Kiểm toán. Đăng cho biết, để xét tuyển vào các ngành trên, em sử dụng kết hợp các phương thức như thi đánh giá năng lực, sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Từ thực tế quan sát và thống kê của bản thân với tư cách giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cô Trần Thị Phương Mai, Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận thấy ngày càng nhiều học sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Nhất là khi các trường ĐH công bố phương án tuyển sinh, nhiều trường giảm tỷ lệ tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia, tăng tỷ lệ tuyển sinh dựa vào kết quả của bài thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy. “Lớp tôi chủ nhiệm có đến 3/4 học sinh trong lớp đăng ký tham gia các kỳ thi này”, cô Phương Mai cho biết.

Việc học sinh tham gia nhiều kỳ thi riêng bên cạnh thi tốt nghiệp THPT đem đến cho học sinh nhiều cơ hội xét tuyển, cơ hội trải nghiệm, nhưng cũng gây ra không ít áp lực đối với cả thầy và trò. Chia sẻ áp lực với người học, cô Mai cho rằng: Mỗi một kỳ thi có những yêu cầu khác nhau về việc vận dụng kiến thức, kỹ năng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT phạm vi kiến thức tập trung chủ yếu ở lớp 12, nhưng các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy thì hệ thống kiến thức rộng và dàn trải trong toàn bộ chương trình THPT (từ lớp10 đến lớp12). Ngoài ra, phải nói đến sự lo lắng, thậm chí hoang mang của học sinh trước việc nhiều trung tâm quảng cáo ôn luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy trong khi kết quả thực tế chưa được kiểm chứng, xác nhận... Chưa kể, lệ phí cho các kỳ thi riêng không nhỏ với nhiều gia đình, kinh phí đi lại với học sinh phải thi địa điểm xa…

Tránh ôn mẹo, nhanh mà không hiểu bản chất

Trước thực tế này, cô Trần Thị Mai Phương, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) cho rằng, thầy cô cần định hướng học sinh, muốn kết quả cao trong các kỳ thi riêng cần cách học khoa học, biết hệ thống và hiểu bản chất vấn đề. Riêng đối với kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy thì cần đọc nhiều.

Thí sinh '1 vai 2 gánh' ôn thi, làm sao gỡ áp lực học tập? ảnh 1

Ảnh minh họa/ INT

Đề thi phần đọc hiểu rất dài, cung cấp nhiều dữ liệu và thông tin, nên giáo viên cần định hướng cho học sinh, có khả năng đọc hiểu, xử lý thông tin tốt, suy nghĩ logic sẽ có ưu thế hơn. Cách ôn tập mẹo, nhanh chóng mà không hiểu bản chất rất khó đáp ứng loại bài thi đánh giá năng lực, tư duy.

Cô Trần Thị Mai Phương đồng thời lưu ý học sinh phải nắm chắc kiến thức phổ thông, bám chắc đề thi minh họa mà đơn vị tổ chức thi công bố. Các em nên làm đề minh họa lần đầu ngay khi trường công bố, sẽ biết mình có ưu thế, thiếu hụt kiến thức phần nào để khắc phục. Đến trước ngày thi, học sinh có thể làm đề minh họa thêm lần nữa, nhằm rèn kỹ năng làm bài và ghi nhớ các thao tác cần thiết.

“Trước khi định hướng cho học sinh, giáo viên cần nghiên cứu kỹ đề minh họa các trường tổ chức kỳ thi riêng. Ví như môn Toán, trong đề minh họa, ngoài câu hỏi trắc nghiệm còn có một phần liên quan đến tự luận để đánh giá học sinh có thể trình bày phương pháp giải, quy trình giải Toán một cách logic, rành mạch hay không”, cô Trần Thị Mai Phương lưu ý thêm.

Đưa lời khuyên thí sinh, ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), lưu ý: Mỗi trường đều có nhiều phương thức tuyển sinh đầu vào bên cạnh kỳ thi đánh giá năng lực riêng, vì vậy thí sinh có thể lựa chọn phương thức phù hợp với mình nhất. Áp lực tất nhiên sẽ có, do số lượng chỉ tiêu mỗi phương thức giảm xuống dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh tăng lên. Tuy nhiên, áp lực này lớn hay nhỏ phụ thuộc vào tâm lý, năng lực mỗi người học.

Việc đầu tiên thí sinh và gia đình cần làm là lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp các điều kiện cá nhân, gia đình. Từ ngành nghề dự định lựa chọn, các em sẽ tìm hiểu xem nhóm ngành này có những phương thức xét tuyển nào và thế mạnh của mình trong các phương thức đó. Ví dụ, nếu kết quả học tập ở bậc phổ thông tốt thì có thể xét học bạ. Nếu mình phát triển đều các lĩnh vực thì có thể tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực. Hoặc đang học theo ban/khối tốt thì sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Việc tham gia các kỳ thi riêng có thể xem đó là bài kiểm tra để đánh giá lại năng lực của mình, còn nhiều phương thức xét tuyển khác và nhà trường cũng không phải chỉ sử dụng mỗi kết quả đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, một ngành học có nhiều trường đào tạo tốt, không phải chỉ một trường.

“Theo thông tin tôi có được thì các trường tổ chức kỳ thi riêng đều không công khai dữ liệu đề thi và không tổ chức ôn luyện. Vì các bài thi này thường mang tính tổng hợp kiến thức, hướng tới đánh giá năng lực của thí sinh, vì vậy khó để có thể ôn luyện cho trúng. Các “lò luyện” mọc lên chủ yếu nắm bắt tâm lý lo lắng của thí sinh chứ cá nhân tôi không đánh giá cao hiệu quả”, ThS Nguyễn Vinh San lưu ý thêm.

ThS Nguyễn Vinh San cho biết: Các trường có cùng khối ngành, định hướng đào tạo nên hợp tác để xây dựng các kỳ thi riêng của khối ngành/trường. Từ đó, thí sinh chỉ cần lựa chọn 1 kỳ thi đánh giá năng lực phù hợp. Mỗi trường/ngành cũng không nên lựa chọn quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, để tạo công bằng hơn cho thí sinh trong xét tuyển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí sinh '1 vai 2 gánh' ôn thi, làm sao gỡ áp lực học tập?