Phụ huynh vui mừng và thoải mái khi nhập học sớm cho con vào Trường ĐH Gia Định. |
Là trường có mức điểm trúng tuyển bình quân các ngành dao động từ 19 - 23 điểm, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) tiếp tục thông báo tuyển bổ sung cho một số ngành còn thiếu với mức điểm trúng tuyển không tăng so với đợt 1. Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI, trường vẫn còn nhiều ngành tuyển bổ sung như công nghệ vật liệu, quản lý năng lượng, công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường.
“Nhà trường dự báo không thay đổi về điểm trúng tuyển so với đợt 1, nghĩa là điểm trúng tuyển của các ngành bổ sung vẫn giữ 16 điểm. Vì vậy, việc thí sinh có mức điểm từ 19 - 21 điểm mà chưa thể trúng tuyển vào các nhóm ngành tương tự ở các trường mình yêu thích có thể tìm kiếm cơ hội vào trường bằng nguyện vọng bổ sung. Vấn đề là thí sinh phải biết và hiểu mình mong muốn điều gì thực sự ở đợt xét tuyển tới; đặt nguyện vọng với sự tính toán kỹ lưỡng mức điểm của mình với điểm mà các trường thông báo”, ThS Sơn nói.
Thực tế, khi đánh rơi cơ hội trúng tuyển ở đợt 1 dù điểm thi không tệ nhưng thí sinh vẫn còn rất nhiều cơ hội được theo học ngành mà mình yêu thích ở trường khác bằng các phương thức xét tuyển khác. ThS Dương Trần Minh Đoàn, Trưởng phòng Hướng nghiệp và Tuyển sinh, Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TPHCM (UMT), nhìn nhận, với tình hình tuyển sinh năm nay, thí sinh dù rớt đợt 1 vẫn tràn đầy hy vọng trúng tuyển ở các trường khác bằng phương thức trúng tuyển khác như xét học bạ THPT hay điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM.
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Gia Định - cũng đồng tình quan điểm trên và cho rằng với bối cảnh tuyển sinh năm nay, nếu thí sinh chịu khó tìm hiểu vẫn có thể trúng tuyển và theo học đúng ngành học mình yêu thích ở trường khác.
“Môi trường giáo dục đại học hiện nay gần như tương đồng giữa các trường, việc thí sinh chọn theo học ngành học mình yêu thích ở trường này hay trường kia thật sự không còn quá quan trọng. Tất nhiên, thương hiệu vẫn là yếu tố đầu tiên thí sinh định vị, nhưng không vì thế mà đánh mất đi cơ hội trúng tuyển và học tập của mình.
Bởi thực tế, việc đánh giá chất lượng nhân lực của các doanh nghiệp hiện nay không nằm ở bằng đại học lấy từ trường nào, mà họ chỉ quan tâm đến năng lực và kỹ năng có được là gì sau khi ra trường. Vì vậy, tôi cho rằng, thí sinh cần cân nhắc và chọn lựa thật chín chắn cơ hội thứ hai ở 50 trường đại học đang có thông báo xét tuyển bổ sung hiện nay”, TS Toàn nói.
“Với ngưỡng điểm xét tuyển bổ sung mà các trường đã công bố, nếu thí sinh có học lực khá và mức điểm học tập trên 7,0 của học bạ hoặc 700 điểm thi ĐGNL thì hoàn toàn có thể trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích ở trường khác, nếu biết “hạ chuẩn” của bản thân mình”, ThS Dương Trần Minh Đoàn nói.