Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉ lệ học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội (KHXH) áp đảo với 63%, trong khi đó, chỉ có 37% số em chọn bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN). Theo các chuyên gia, nhà giáo, thí sinh có xu hướng chọn những môn dễ để dự thi, trong khi các môn KHTN khó và đòi hỏi phải có tư duy, năng lực.
Kì thi Tốt nghiệp THPT năm 2024, cả nước có gần 1,1 triệu thí sinh đăng kí dự thi. Trong đó, có 37% thí sinh đăng ký bài thi KHTN (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và 63% thí sinh chọn bài thi KHXH (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Tỉ lệ học sinh chọn thi các môn KHXH cao nhất trong vòng 6 năm qua và so với năm ngoái, con số này tăng 7,7%.
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, gần 1,1 triệu học sinh bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 Ảnh: Như Ý
Thầy Nguyễn Văn Thuần, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, học sinh nghiêng về chọn môn thi KHXH nhiều hơn không quá bất ngờ. Phân tích thực tế ở trường, tỉ lệ học sinh khá - giỏi các môn tự nhiên và xã hội tương đương nhau. “Tuy nhiên, những em không giỏi tự nhiên cũng không giỏi xã hội sẽ chọn thi các môn xã hội sẽ dễ dàng, thuận lợi trong việc làm bài thi”, thầy Thuần nói.
Bà Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Phụ trách Sở GD&ĐT Hoà Bình cho biết, năm nay địa phương có gần 10.000 thí sinh dự kì thi tốt nghiệp THPT. Trong đó hơn 72% em đăng kí thi tổ hợp KHXH, gần 28% em thi tổ hợp KHTN.
Theo bà Hường cho rằng, Hoà Bình cũng như các tỉnh miền núi, học sinh có xu hướng lựa chọn các môn KHXH nhiều hơn vì các em chăm chỉ, chịu khó đọc, tìm hiểu có thể làm tốt trong khi các môn tự nhiên đòi hỏi phải có năng lực tư duy, tính toán tốt.
“Sở GD&ĐT cũng đã yêu cầu các nhà trường định hướng, tư vấn chọn tổ hợp môn thi, ngành nghề tuy nhiên phụ thuộc vào năng lực học sinh. Dù rằng, tổ hợp KHXH không có nhiều ngành nghề để lựa chọn”, bà Hường nói.
Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) lại cho rằng ít học sinh lựa chọn các môn tự nhiên để thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH là điều cần tính toán và có giải pháp từ gốc rễ.
Chương trình giáo dục phổ thông mới dạy học tích hợp từ bậc THCS, trong đó các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học được tích hợp thành một môn. Tuy nhiên, sự bất cập nằm ở chỗ, chưa đào tạo bài bản giáo viên đã đưa vào dạy học tích hợp dẫn đến lúng túng, vướng mắc.
Học sinh không được dạy một cách bài bản, có sự yêu thích, đảm bảo kiến thức nền tảng các môn học tự nhiên ở bậc học dưới khi lên THPT cũng rất khó khăn để lựa chọn các môn này để theo học nên xu hướng chọn môn tự nhiên giảm, trong khi đó, chọn các môn xã hội thuận lợi hơn.
“Tuy nhiên, về lâu dài, có thể dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực cho các nhóm ngành khoa học cơ bản do những em học sâu nhóm các môn tự nhiên thi”, bà Na nói.