Ngày 7/9, bão Yagi đổ bộ Việt Nam, trở thành cơn bão mạnh nhất 30 năm qua vào nước ta, gây ra gió mạnh dữ dội, mưa kỷ lục một nửa miền Bắc, lũ vượt lịch sử trên nhiều dòng sông, ngập lụt nghiêm trọng ở 21 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chỉ một ngày trước đó, hàng loạt địa phương miền Bắc ghi nhận nắng nóng kỷ lục trong tháng 9.
Nhiều kỷ lục thời tiết cực đoan
Ngày 6/9, khi siêu bão Yagi đang giữ sức mạnh phá huỷ ngoài vịnh Bắc bộ với sức gió mạnh cấp 15, giật cấp 17, toàn bộ miền Bắc trải qua một ngày nắng nóng kỷ lục. Phố núi Hà Giang trưa 6/9 ghi nhận nhiệt độ 39,5 độ - cao nhất trong lịch sử tháng 9 ở khu vực này, vượt qua kỷ lục được thiết lập vào 23 năm trước. Tại Lào Cai, nắng nóng còn khốc liệt hơn khi nhiệt độ lên tới 39,7 độ, cũng là mức nhiệt cao nhất trong tháng 9 ở vùng đất này và là mức nhiệt cao nhất tháng 9 trong lịch sử miền Bắc. Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc đều ghi nhận nhiệt độ trên 38 độ, vượt qua các kỷ lục được thiết lập những năm trước đó. Thủ đô Hà Nội ghi nhận mức nhiệt 37,5 độ vào ngày 5/9 và 37,3 độ vào ngày 6/9, cũng là những kỷ lục nhiệt độ tháng 9 ở đây.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia thống kê, 18 tỉnh, thành phố miền Bắc ghi nhận nhiệt độ kỷ lục tháng 9 trong hai ngày 5-6/9. Theo các chuyên gia, nền nhiệt rất cao, kết hợp với rìa phía tây của cơn bão Yagi đã gây ra những ổ mây dông mạnh trước bão, dẫn đến gió giật mạnh và mưa lớn dữ dội vào chiều 6/9 ở Hà Nội cùng nhiều địa phương khác, dù bão chưa vào, gây ra nhiều thiệt hại về vật chất, có cả thương vong trước bão.
Ngày 7/9, Yagi đổ bộ Hải Phòng - Quảng Ninh, sau đó quét qua đồng bằng Bắc bộ với cường độ mạnh chưa từng có, cùng vùng ảnh hưởng rất rộng lớn. Hai ngày 8-9/9, hoàn lưu bão gây ra mưa lớn dữ dội khắp miền Bắc. Thị xã du lịch nổi tiếng Sa Pa ghi nhận lượng mưa ngày 8/9 lên tới hơn 300mm, vượt xa kỷ lục được thiết lập từ 54 năm trước. Nhiều điểm đo khác của Lào Cai cũng ghi nhận lượng mưa kỷ lục như Bắc Hà, Phố Ràng. Tỉnh này chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và của khi xảy ra nhiều thảm họa lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài và lũ dâng cao. Yên Bái là tỉnh hứng chịu lượng mưa dữ dội nhất. Mưa tại Lục Yên ngày 9/9 là 316mm, phá vỡ kỷ lục từ năm 2012, thành phố Yên Bái ngày 10/9 là 264,5mm. Tổng lượng mưa trong 2-3 ngày ở Yên Bái đặc biệt lớn, nhiều nơi 500-600mm.
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, có 12 tỉnh, thành phố (trong số 25 tỉnh, thành phố) ở miền Bắc ghi nhận lượng mưa trong một ngày cao nhất lịch sử tháng 9, gồm Lạng Sơn, Hải Phòng, Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Nam Định.
Do mưa lớn kéo dài, lũ trên sông Thao tại Yên Bái ngày 10/9 lên mức 35,73m, vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm trước. Sông Cầu tại Đáp Cầu (Bắc Ninh) cũng xấp xỉ mức kỷ lục từ năm 1971. Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất 20 năm qua. Sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, sông Lục Nam, sông Hoàng Long đều vượt báo động 3.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều nơi vượt ngưỡng là điều hiếm thấy. Thống kê có 20/25 tỉnh, thành phố phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng sau bão Yagi.
Siêu bão càng lúc càng nhiều trên Biển Đông
Yagi đổ bộ đất liền nước ta ngày 7/9 đã trở thành cơn bão lịch sử bởi cường độ và sức tàn phá kinh hoàng. Lần đầu tiên trong lịch sử, một địa điểm trên đất liền nước ta ghi nhận gió mạnh cấp 14, giật cấp 17 (Quảng Ninh), cũng là lần đầu tiên, một địa phương không giáp biển ghi nhận gió mạnh cấp 12, giật cấp 13 (Hải Dương).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nêu 4 điểm bất thường của cơn bão lịch sử này. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (tăng 8 cấp trong 48 giờ), duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài và thời gian lưu bão trên đất liền rất lâu (12 giờ). Yagi còn có diễn biến trái quy luật, không suy yếu khi đi qua đảo Hải Nam, giữ cường độ rất mạnh trên vịnh Bắc bộ và khi vào đất liền.
Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là siêu bão có thể sẽ xuất hiện càng lúc càng nhiều trên Biển Đông. Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi có số liệu quan trắc, chỉ có 3 cơn bão mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông gồm Yagi, bão Saola và bão Rain. Đáng lưu ý, là cả ba cơn bão này xuất hiện trong 4 năm trở lại đây (bão Rain 2021, bão Saola 2023), cho thấy xu thế xuất hiện càng lúc càng nhiều siêu bão trên Biển Đông.
Tại nước ta trong tháng 9, khi miền Bắc chưa khắc phục xong hậu quả thảm khốc từ cơn bão số 3 , miền Trung đã hứng chịu bão số 4. Dù cường độ không mạnh, thời gian tác động nhanh, bão số 4 cũng gây lũ lụt, ngập úng ở một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, đỉnh điểm mùa mưa bão năm nay ở miền Trung có thể xuất hiện trong tháng 10 và tháng 11, không loại trừ nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ như từng xảy ra trong mùa mưa bão lịch sử năm 2020.
Lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, do mưa lớn kéo dài sau bão số 3 nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.
Trung tâm cho biết, nguyên nhân chính của lũ quét, sạt lở đất là do khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều, cao hơn 40-60% so với trung bình nhiều năm. Ở Lào Cai tháng 8 có đến 23/31 ngày mưa, ở Yên Bái là 21/31. Đây là điều hiếm gặp. Hầu hết các khu vực, đất ở tình trạng bão hòa nên khi có đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày với cường suất cao như sau bão Yagi thì hiện tượng sạt lở đất xảy ra tại nhiều nơi. Riêng Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái có quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi, riêng tại thành phố Yên Bái thống kê được trên 1000 điểm sạt lở đất.