Theo chủ trương của ĐH Đà Nẵng, các trường thành viên chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ hoàn toàn đều tạm dừng tuyển sinh đào tạo chất lượng cao theo đúng tinh thần của thông tư số 17. Theo đó, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng sẽ tạm dừng tuyển sinh 6 chương trình đào tạo chất lượng cao.
PGS.TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho biết, việc dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo chất lượng cao cũng đồng nghĩa nguồn thu từ học phí của nhà trường sẽ sụt giảm đáng kể.
Các chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng có mức học phí cao gấp 2,5 lần so với chương trình đại trà. Đi kèm đó là các điều kiện về giảng viên, giáo trình, số giờ học với giảng viên nước ngoài… cũng có nhiều khác biệt so với chương trình đại trà. Đơn cử như với chương trình chất lượng cao, giảng viên đứng lớp phải có trình độ tiến sĩ.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, hiện các trường ĐH tự chủ vẫn còn nhiều ràng buộc về mặt cơ chế. Mức độ tự chủ hiện nay chưa đảm bảo mà còn chịu nhiều ràng buộc về thông tư, nghị định…. Chẳng hạn như, trường muốn mời chuyên gia từ doanh nghiệp vào giảng dạy một số nội dung trong chương trình đào tạo.
Thế nhưng, dù là trường tự chủ hay chưa tự chủ thì đều phải tuân thủ quy định về thỉnh giảng là phải có chứng chỉ sư phạm… Tuy nhiên không phải chuyên gia nào cũng đáp ứng yêu cầu này. Và trường đại học dù thực hiện tự chủ cũng không thể “xé rào”. Muốn mở một ngành học mới, các trường tự chủ đều phải thực hiện trình tự quy trình như một trường chưa tự chủ.
Một chuyên gia giáo dục đã nhận xét, các trường đại học dù thực hiện tự chủ thì việc thu học phí cũng bị khống chế bởi các văn bản quy định có liên quan. Đây là thử thách của tất cả các cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện tự chủ đại học và cũng lý giải tại sao nhiều cơ sở giáo dục ĐH vẫn ngần ngại tiến tới tự chủ ĐH. Như hai năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gần như các trường đại học công lập đều không thực hiện tăng học phí và vẫn thực hiện hỗ trợ 10% học bổng cho sinh viên.
Ở một khía cạnh khác, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh cho rằng, để thực hiện trách nhiệm xã hội của một cơ sở giáo dục đại học, các trường thực hiện tự chủ sẽ gặp khó khăn khi hỗ trợ cho sinh viên thuộc đối tượng hộ nghèo.
“Nhà nước sẽ thực hiện cấp bù học phí cho những sinh viên thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, mức cấp bù này thực hiện theo quy định chung và thấp hơn rất nhiều so với mức học phí của các trường tự chủ xây dựng. Và khoản chênh lệch này, Nhà nước cho phép các trường thu từ sinh viên. Thế nhưng, gần như các trường đều không thu khoản chênh lệch này mà sẽ tự bù vào để trách nhiệm xã hội được thực hiện một cách trọn vẹn”.
“Tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư mà sẽ thay đổi cách đầu tư. Thay vì cấp tiền trả lương giảng viên thì dùng tiền đó để cấp học bổng cho sinh viên thuộc các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn với mức hỗ trợ cao hơn; hoặc Nhà nước tiếp tục đầu tư tăng nguồn cho nghiên cứu khoa học...”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh trao đổi.