Năm 2017, giới điện ảnh từng vui mừng khi phim trường cổ trang Yên Tử (Quảng Ninh) được cho là lớn nhất Việt Nam sắp hoàn thành sẽ tái tạo lại không gian văn hóa của người Việt xưa.
Ngoài việc làm bối cảnh cho các phim cổ trang, dự án còn được kỳ vọng trở thành điểm tham quan văn hóa độc đáo, điểm du lịch lịch sử mang tính giáo dục. Tuy nhiên, cuối năm 2022 tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi đất đã giao vì dự án chậm tiến độ.
Từ đó những hi vọng về một trường quay tầm cỡ chấm hết. Đây không chỉ là đề tài bàn tán trong giới điện ảnh, mà còn là chủ đề chính của nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo. Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra vào tháng 3/2022, câu chuyện về trường quay cũng được bàn luận nhưng không có kết quả.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, nhiều người đặt câu hỏi rằng chúng ta nên xây trường quay ở đâu? Câu hỏi rất khó trả lời, bởi một tỉnh được chọn để xây dựng trung tâm điện ảnh, thì không đủ đáp ứng sự phát triển chung của điện ảnh quốc gia.
“Quan điểm của tôi với sự tính toán lâu dài và chiến lược thì phía Nam cần một tỉnh được lựa chọn để xây dựng thành trung tâm điện ảnh - như Đà Lạt là nơi phù hợp để thu hút điện ảnh lẫn du lịch. Ở phía Bắc, Ninh Bình cũng phù hợp trở thành một thành phố du lịch và điện ảnh”, ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cho biết thêm, việc cần hai trung tâm điện ảnh không phải chỉ để đáp ứng sự cân bằng vùng miền, mà còn cần thiết phát triển một nền điện ảnh đa dạng. Việc phát triển trường quay tại Ninh Bình sẽ hỗ trợ phát triển các vùng du lịch xung quanh như Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và cả Hà Nội, tiết kiệm được kinh phí cho các đoàn làm phim di chuyển từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Hiện nay, chúng ta đang nhìn điện ảnh Việt phát triển trên bề mặt doanh thu. Song đó là sự nhầm lẫn bởi thực chất điện ảnh đang bị thâm hụt rất lớn. Đặc biệt, vì không có trường quay nên bản sắc điện ảnh Việt không rõ ràng, trong khi cái bản sắc mới là điều quan trọng để phát triển bền vững.
Nhìn sang các nước có nền điện ảnh phát triển, đặc biệt là Trung Quốc sẽ thấy quy mô phim trường không chỉ rất lớn mà sự đầu tư vô cùng bài bản. Ngoài phục vụ các phim cổ trang với cung điện các thời đại, từ thời chiến quốc, thời Tần, thời Hán cho đến thời Minh – Thanh; các phim trường cũng chú trọng thời hiện đại với các dãy phố giai đoạn dân quốc, các bến cảng, nhà hàng...
Các trường quay ngoài phục vụ làm bối cảnh cho phim, còn trở thành những điểm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo khách tham quan cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phim trường cũng không khác gì vai trò của bảo tàng khi lan tỏa và quảng bá giá trị văn hóa của đất nước.
“Hiện tại, điện ảnh Việt vẫn trong vòng luẩn quẩn, khó có thể có những tác phẩm điện ảnh lớn về mặt không gian hay các bộ phim hành động hoặc lịch sử, bởi vì sự chắp vá nhân lực và địa điểm. Trong khi đó điện ảnh là một “biên giới mềm” cần được tạo nên càng sớm càng tốt để ngăn chặn các làn sóng điện ảnh du nhập, lan sâu và ăn mòn các giá trị văn hóa Việt Nam”. Đạo diễn Lương Đình Dũng