Tại Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (20/6), Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng Công nghệ cao, Bộ Công an cho biết một số quốc gia trên thế giới đã phát hiện thí sinh sử dụng AI để gian lận thi.
Theo ông Mạnh, để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 , lực lượng Công an các địa phương đã tập huấn cho cán bộ, giáo viên về các thiết bị gian lận thi tinh vi và cách phát hiện. Chủ động truyền thông để nâng cao nhận thức cho thí sinh, người dân về kỳ thi; tăng cường lực lượng cho khâu trọng yếu như: bảo vệ khu vực in sao, vận chuyển đề thi ; đấu tranh phát hiện các hành vi buôn bán thiết bị gian lận thi.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị thi ở một số tỉnh, thành phố cho thấy, vẫn còn địa phương chưa hiểu rõ về quy định an ninh, an toàn cho kỳ thi như: bố trí nơi để xe học sinh sát phòng thi, nhà dân sát điểm thi… Vấn đề phát hiện sớm thiết bị gian lận thi cũng là khó khăn, thách thức đối với các Hội đồng thi.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh đề nghị các địa phương tuân thủ các quy định liên quan an ninh, an toàn kỳ thi Tốt nghiệp THPT sắp diễn ra.
Cũng theo ông Mạnh, diễn biến gian lận thi cử hiện nay rất phức tạp. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã phát hiện tình trạng thí sinh sử dụng công nghệ AI gian lận thi.
“Để sử dụng AI, điều kiện tiên quyết là người dùng vẫn phải sử dụng các thiết bị công nghệ, bộ kết nối, tai nghe thu nhỏ cài trong tai, camera ngụy trang. Ở một số nơi, còn phát hiện thiết bị được cài trong đế giày. Để ứng phó, Trung Quốc đã sử dụng AI để coi thi và phát hiện gian lận. Tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp hỗ trợ, quan trọng vẫn là con người”, ông Mạnh nói.
Do đó, chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT sắp diễn ra, Bộ Công an đề nghị công tác tổ chức thi, các địa phương phải tuân thủ các quy định liên quan, trong đó có việc bố trí khu vực để đồ của thí sinh cách xa phòng thi 25 mét, hạn chế tối đa mang đồ vào khu vực thi.
Nếu thuận lợi, các điểm thi có thể bố trí chỗ để xe ngoài cổng trường, đồng thời tuyên truyền các nhà dân sát điểm thi không tiếp tay cho các hành vi gian lận.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi còn có khâu đi rà soát, vận động người dân xung quanh điểm thi cắt wifi, tránh tình trạng thí sinh mang thiết bị vào phòng thi bắt sóng chụp đề thi ra ngoài.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị, ngành Công an có sự rà soát, xử lý nghiêm, kịp thời những thông tin liên quan kỳ thi lan truyền trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận.
Gần 67.000 thí sinh miễn thi
Theo GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lí chất lượng (Bộ GD&ĐT), năm nay có gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi (tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023).
Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là gần 67.000 em, chiếm 6,25% tổng số thí sinh (Hà Nội có 21.554 thí sinh; TP Hồ Chí Minh có 13.076 thí sinh).
Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 10 tỉnh/thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội.
Qua đánh giá cho thấy, các Sở GD&ĐT đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi theo đúng quy định, đảm bảo thuận lợi tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Đội ngũ cán bộ làm thi được huy động và tổ chức tập huấn đầy đủ, đảm bảo nắm vững quy chế trước khi bố trí tham gia thực hiện các khâu của kỳ thi, đặc biệt cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được tập huấn và đánh giá đạt yêu cầu mới bố trí làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, vẫn có một số địa phương vẫn còn chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện, chưa có giải pháp dự phòng cụ thể về nhân lực, trang thiết bị. Một số phòng thi còn tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư nên cần chú trọng tăng cường an ninh an toàn vòng ngoài.