Đưa vào khai thác đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội từ tháng 6/2024, Bến Thành - Suối Tiên từ tháng 12/2024, đây là chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Ngày 23/5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 239/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TPHCM.
Theo đó, xác định việc sớm hoàn thành, đưa dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và dự án đường sắt đô thị TPHCM, đoạn Bến Thành - Suối Tiên vào vận hành khai thác, phục vụ nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách,
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo, đôn đốc Chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, tích cực giải quyết các tồn tại, vướng mắc (đặc biệt nhà thầu gói thầu CP3 của Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên), đẩy nhanh hoàn thành thi công các hạng mục còn lại;
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục (chạy thử hệ thống, vận hành thử hệ thống, báo cáo an toàn hệ thống, giấy chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chấp thuận về môi trường, đào tạo nhân sự vận hành và bảo trì, nghiệm thu hoàn thành dự án…) để bảo đảm đưa vào sử dụng tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 12/2024.
Đồng thời, UBND TPHCM rà soát các nguồn vốn và phương án thu xếp, sử dụng vốn vay, sớm làm việc với các Nhà tài trợ để hoàn tất các thủ tục gia hạn Hiệp định vay, lập kế hoạch triển khai hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nỗ lực phấn đấu đưa vào khai thác tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao vào cuối tháng 6/2024.
Đối với Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội, TPHCM đến năm 2035, Phó Thủ tướng lưu ý UBND 2 thành phố lựa chọn công nghệ đường sắt đô thị tiên tiến, hiện đại; bảo đảm tiếp nhận, làm chủ từ khâu thiết kế, sản xuất, chế tạo đến vận hành, quản lý, gắn với đầu tư, hình thành ngành công nghiệp đường sắt đô thị.
Việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị phù hợp với chiến lược, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, bảo đảm hài hoà với các phương thức giao thông trong kết nối hạ tầng; đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, tính khả thi, huy động mọi nguồn lực (trung ương, địa phương, đầu tư theo phương thức PPP, …), cân nhắc, đánh giá kỹ việc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; khai thác, huy động từ nguồn lực đất đai thông qua phát triển đô thị theo các ga, các tuyến đường sắt đô thị.